Video: QUỐC CƯỜNG - TIỂU YẾN
Những món đồ tưởng chừng vô giá trị như mảnh nhựa vụn, vải thừa, giấy cũ, bao bì, vỏ lon, qua bàn tay khéo léo cũng như óc tưởng tượng phong phú của David Del Kan, đã biến thành các tác phẩm sinh động, mang thông điệp bảo vệ môi trường. Mỗi tác phẩm tại triển lãm mang một câu chuyện, một vòng đời mới, và trên hết, là cách tác giả đối thoại với thiên nhiên bằng ngôn ngữ nghệ thuật. David cho biết, tác phẩm hình thành nhờ các chất liệu tái chế thu nhặt từ nhiều quốc gia và kỹ thuật thủ công truyền thống.
Mô hình "Bàn tay Đức Phật" tạo ấn tượng mạnh cho khách tham quan. |
Triển lãm gây ấn tượng bởi mô hình ghế ba chân, con hổ, đầu lâu, con rùa, con cá, tê giác, người báo, cá voi, đầu đại bàn hay loạt tranh vẽ phong cảnh, con người và những nhân vật trong tưởng tượng… Họa sĩ người Pháp tận dụng chất liệu dây thép, vành, trục xe đạp, lõi máy khoan cắt, vỏ lon Coca, lồng quạt hay giá đựng đũa thìa nhà bếp… để sáng tạo nên những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao. Nhằm tăng hiệu ứng 3D, ông lắp ghép thêm hệ thống đèn Led bên trong các mô hình. Ông không giấu sự xúc động khi nói về hành trình của mình: “Tôi không muốn một phần rác thải bị chôn vùi hay đốt bỏ. Tôi muốn chúng được nhìn thấy, thấu hiểu và sống một cuộc đời khác giá trị hơn”.
Một tác phẩm nghệ thuật được họa sĩ tạo ra từ chiếc thúng nhặt ở một bãi rác tại Hà Nội. |
Nằm ở khu vực trung tâm, mô hình con hổ dài 1m, nặng 100kg, làm từ mảnh đồng, bê tông của một khách sạn bị phá vỡ hay mô hình đầu voi được làm từ sợi nhựa tái chế… trở thành những điểm nhấn thị giác, thu hút người xem.
Trong khi đó, bộ sưu tập tranh đầu động vật - thân người, phong cảnh… mang đến sự thích thú cho khách chiêm ngưỡng khi khắc họa khá thành công những biểu cảm sinh động của các linh vật, kết hợp trang phục quý tộc cổ điển châu Âu. Tất cả đều gợi mở suy ngẫm về thói quen tiêu dùng và trách nhiệm của mỗi cá nhân với môi trường sống.
Mô hình con hổ dài 1m, nặng 100kg, làm từ mảnh đồng, bê tông của một khách sạn bị phá vỡ hay mô hình đầu voi được làm từ sợi nhựa tái chế. |
Tác giả bên mô hình cá voi, được lắp ghép từ những mảnh tôn mỏng gắn vào những khung thép cứng bên trong, tạo nên một kết cấu chắc chắn và mềm mại. |
Họa sĩ David Del Kan sinh năm 1972 ở miền Đông Nam nước Pháp. Ông đến Việt Nam năm 2008 và gắn bó từ đó đến nay. Thời gian ở Việt Nam, ông thấy rác thải, phế liệu khắp mọi nơi. Tuy nhiên thay vì mặc kệ, ông bắt đầu thu gom và xem đó là chất liệu sáng tác mỹ thuật. Ví dụ, khi nhìn thấy chiếc bàn hỏng, ông nghĩ ngay tới việc tái tạo một khung tranh. Hoặc thấy chiếc chiếu trúc bị vứt chỏng chơ, ông nghĩ ra một bức tranh phong cảnh đẹp. Đến nay, họa sĩ có hơn 1.000 tác phẩm từ rác tái chế và hơn 400 video ghi lại quá trình sáng tác.
Nhiều trẻ em thích thú trước các mô hình được tạo nên từ rác tái chế. |
Có thể nói, sự kết hợp giữa hoang dã - quý tộc, hiện đại - cổ điển, phế thải - nghệ thuật chính là tuyên ngôn sáng tạo của David. Để hoàn thành các tác phẩm cầu kỳ, ông mất từ 1 đến 2 tháng lắp ráp theo phương pháp thủ công. Điểm nổi bật trong tác phẩm của ông là yếu tố sinh thái và sự bền vững. Theo ông, rác thải mất rất nhiều năm để phân hủy và biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật là cách ông góp phần bảo vệ môi trường cũng như giữ gìn sự cân bằng sinh thái.
Họa sĩ David nhiệt tình chia sẻ với khách tham quan về chất liệu cũng như kỹ thuật tạo nên tác phẩm. |
Diễn ra từ 7-5, triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách. Chị Nguyễn Hồng Lam (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết những tác phẩm mang đến cho chị nguồn năng lượng tích cực. “Không nghĩ những món đồ bị vứt đi lại có thể trở thành tác phẩm mỹ thuật đẹp đến vậy. Đặc biệt, mỗi mô hình như lời nhắc nhẹ nhàng mà sâu sắc về cách chúng ta đang đối xử với rác thải hằng ngày”, chị Lam đúc kết.
Khách tham quan viết cảm nghĩ bày tỏ sự thích thú sau khi tận mắt chứng kiến những tác phẩm được làm từ mồ hôi và tâm huyết của họa sĩ người Pháp. |
TIỂU YẾN - QUỐC CƯỜNG
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5414/202505/rac-thai-va-goc-nhin-sang-tao-4006305/
Bình luận (0)