Trong chuyến công tác đến xã Bát Xát chúng tôi được bà con người Dao khoe có một “kho vàng xanh” trên núi Sải Duần. Theo chân bà con nơi đây lên núi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi hiện ra trước mắt là rừng cây cổ thụ xanh mướt. Những cây cổ thụ nứt nẻ xù xì, thân cao vút, xòe tán rợp mát.

Anh Tẩn Láo Lù, thôn Sải Duần, xã Bát Xát bảo: Đây là rừng kháo cổ thụ, rộng khoảng 5 ha, do thôn quản lý nhiều năm qua. Điều đặc biệt, khu rừng kháo có những cây kháo từ 30 năm đến 40 năm tuổi, gốc cây một người ôm không hết vòng tay, thân cây cao khoảng 20m. Trong khi ở những khu rừng khác chỉ có vài cây kháo mọc xen lẫn với cây rừng khác, thì ở đây cây kháo chiếm số lượng lớn, cây mọc đều tăm tắp, đa số có chiều cao trên 10 m, tạo thành bức tranh thiên nhiên tươi đẹp.
Anh Tẩn Láo Lù cho biết: Rừng kháo cổ thụ có từ lâu, được bà con trong thôn tích cực bảo vệ. Hằng năm, người dân tổ chức họp, xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng; tổ chức cúng rừng vào mùng 3 Tết. Người dân không được tùy tiện chặt cây. Những hộ chuẩn bị làm nhà muốn lấy gỗ đều phải báo cáo thôn, nói rõ số lượng gỗ cần dùng và phải được sự đồng ý của người dân trong thôn thông qua cuộc họp.

Tìm hiểu thêm từ người dân địa phương, chúng tôi được biết, loại kháo mọc thành rừng ở thôn Sải Duần là kháo vàng, loài cây phổ biến trong các khu rừng ở Việt Nam. Gỗ kháo vàng thuộc nhóm 6, có đặc điểm là nhẹ, dễ chế biến, chất lượng gỗ chắc chắn, thớ gỗ mịn đẹp nên khi gia công để làm cột nhà, sàn gỗ hay ốp tường đều có tính thẩm mỹ và tuổi thọ cao. Loại gỗ này cũng ít bị mối mọt hay chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lực. Những cây kháo càng lâu năm, cổ thụ, thì chất lượng gỗ càng tốt. Đặc biệt, những cây kháo già nổi u cục gọi là nu kháo, thường được dùng để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ như lộc bình, bình phú quý, tượng gỗ… Rừng kháo không chỉ cho gỗ mà còn tạo tán xanh mát để người dân trồng cây sa nhân tím, nâng cao thu nhập.
Là người sinh ra và lớn lên ở thôn Sải Duần, từ nhỏ đã gắn bó với rừng kháo cổ thụ, theo anh Chảo A Phin, Phó Ban Văn hóa - xã hội, HĐND xã Bát Xát, tỉnh Lào Cai (nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát), khu vực rừng kháo là rừng tái sinh tự nhiên của thôn từ những năm 1980, 1990. Khu rừng kháo này được người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt, không ai được chặt phá, đốt nương, nhờ đó cây phát triển tốt. Hiện tại, có những cây kháo đường kính khoảng 50 - 60 cm. Kháo là loại cây gỗ tốt ở khu vực xã Phìn Ngan, chỉ sau cây dâu, thường được người dân trong xã dùng để làm nhà ở.

Cùng với giá trị về cung cấp gỗ cho người dân, giữ đất, giữ nước, thanh lọc không khí cho thôn, bản, hiện nay rừng kháo cổ thụ ở Sải Duần còn có giá trị về du lịch sinh thái. Thời gian qua, xã Bát Xát đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Các đoàn học sinh, sinh viên đến từ Singapore, Hàn Quốc, Anh, Pháp tỏ ra thích thú khi được vào rừng cây cổ thụ, cùng bà con thu hoạch quả sa nhân tím, lấy măng, hái lá thuốc... Qua đó, giúp mỗi người dân, du khách thêm yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Anh Chảo A Khuân, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ an ninh trật tự thôn Sải Duần, xã Bát Xát cho biết: Mỗi tháng, tại các buổi họp thôn, chúng tôi thường tuyên truyền cho người dân tích cực bảo vệ rừng, không xâm hại rừng. Tổ tuần tra rừng cũng thường xuyên làm nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, nhắc nhở khi người dân có dấu hiệu vi phạm, xâm hại rừng. Những trường hợp là người dân trong thôn vi phạm sẽ được chúng tôi xử lý nghiêm theo hương ước, quy ước của thôn. Với người ngoài thôn chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND xã lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật. Bà con trong thôn đều có ý thức bảo vệ rừng, nên hàng chục năm qua, khu rừng kháo của thôn ngày càng xanh tốt, trở thành tài sản quý giá và niềm tự hào của đồng bào Dao đỏ thôn Sải Duần.
Nguồn: https://baolaocai.vn/rung-khao-co-thu-tren-nui-sai-duan-post647799.html
Bình luận (0)