Hát chèo trên sông trong Lễ hội “Thái bình xướng ca”. |
Lễ hội “Thái bình xướng ca” được cộng đồng người dân địa phương duy trì liên tục từ thời Trần qua các giai đoạn lịch sử: thời Hậu Lê, thời Nguyễn... Đặc biệt, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lễ hội được tổ chức trang trọng với quy mô lớn. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do điều kiện chiến tranh và kinh tế khó khăn nên lễ hội không được duy trì tổ chức thường xuyên. Từ những năm 1990 trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự quan tâm của chính quyền địa phương và các nhà nghiên cứu, di tích Đền Đông (Đền làng Gạo), Lễ hội “Thái bình xướng ca” được khảo sát, nghiên cứu tổng thể làm cơ sở để phục hồi lễ hội vào năm 1992. Năm 1993, Đền Đông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Trải qua hơn 700 năm, Lễ hội “Thái bình xướng ca” ngày nay được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức 3 năm một lần vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, từ mùng 9 đến ngày 11/3 âm lịch. Phần lễ có các nghi lễ rước kiệu Thánh từ Đền Đông, Đền Tây và nhang án 18 dòng họ tập trung tại Đám Hát; tế cáo, tế nam quan, tế nữ quan, tụng kinh, niệm Phật, tế Bản dạ… thể hiện đậm nét phong tục tập quán cộng đồng trong tín ngưỡng thờ tổ tiên, Thành hoàng làng gắn với văn hóa bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Bên cạnh các nghi lễ trang nghiêm còn có phần hội phục vụ người đi chơi, xem hội với các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, trò chơi dân gian sôi nổi: hát Chèo, hát Quan họ trên sông, dệt vải khung cửi trên hồ, chèo thuyền tải lương trên sông, đua thuyền đập bóng bay, chơi đu, chọi gà, bắt vịt dưới ao, bắt vịt trên cạn, bịt mắt đập niêu, đi cầu kiều, bắt lợn, chơi cờ đèn dưới nước, cờ tướng, hát Trống quân, tam cúc điếm, tổ tôm điếm, múa rồng mây, múa lân - sư…
Tương truyền, làng Gạo xưa có đội vận chuyển lương thực bằng thuyền nan rất giỏi gắn liền với câu ca “Cả làng chuyển thóc nhà Vua/ Đủ cho quân sĩ bốn mùa lương ăn”. Chèo thuyền tải lương là trò chơi mang nét đẹp văn hóa đặc trưng tiêu biểu trong Lễ hội “Thái bình xướng ca” nhằm tái hiện tích các đoàn thuyền vận chuyển lương thực bằng đường thủy vào Hành cung Thiên Trường phục vụ quan, quân triều đình. Chèo thuyền tải lương được tổ chức trên ao Đồng Đoài trên chiều dài quãng đường khoảng 500m. Thuyền trang trí hình rồng chở những bao trấu (tượng trưng bao lương thực), người chèo thuyền đứng ở giữa. Thuyền dẫn đầu có tướng cầm đao và 1 người đánh trống thúc, 1 người chèo thuyền. Câu chuyện những đoàn thuyền tải lương của nhà Trần cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ binh sĩ đánh giặc mang ý nghĩa giáo dục về ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết cho thế hệ trẻ.
Chèo thuyền tải lương trong Lễ hội “Thái bình xướng ca” tái hiện lại tích các đoàn thuyền vận chuyển lương thực bằng đường thủy vào Hành cung Thiên Trường phục vụ quan quân triều đình nhà Trần. |
“Ai về làng Gạo quê em/ Có nghề dệt vải, quẫy quàng thoi đưa/ Nghề dệt mẹ cha ngày xưa/ Cú kêu chân dận, thoi đưa nhịp nhàng/ Đưa thoi, tua suốt rộng ngang/ Dệt ra tấm vải, công chàng công em/ Trẻ, già, trai, gái nghề quen/ Có nghề dệt vải quê em đẹp giàu”. Đó là những lời ca của bài hát “Làng Gạo dệt vải” trong trò chơi Dệt vải trên hồ Đồng Đoài phía trước Đám Hát. Tham gia trò chơi, Khung cửi nhỏ truyền thống bằng gỗ và người dệt ở trên bè đặt giữa hồ, người dân và du khách đứng trên bờ cổ vũ. Người lãnh xướng hát bài “Làng Gạo dệt vải” theo điệu trống quân rộn ràng. Hình ảnh các bà, các mẹ thi dệt vải trên hồ trong lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh nghề dệt cửi truyền thống của người dân làng Gạo, thể hiện sự khéo léo, đảm đang của phụ nữ làng Gạo mà còn nhắc nhở con cháu gìn giữ, trao truyền nét đẹp văn hóa làng nghề của quê hương. Tại xóm Chợ thì tổ chức đấu vật thu hút các đô vật làng và ở nhiều địa phương về tham dự. Đây là môn thể thao đối kháng, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, rèn luyện sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, trong Lễ hội “Thái bình xướng ca” còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn khác được tổ chức ở các xóm Cuối, xóm Bến, xóm Chợ, xóm Chải... Các hoạt động trong lễ hội đều được thực hành gắn với xướng ca, hát ca tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp đúng như tên gọi của lễ hội. Một số hoạt động trong lễ hội xưa như: thi hát Chầu văn, thi đọc mục lục, thi thả thơ... đang được nghiên cứu phục hồi.
Lễ hội “Thái bình xướng ca” có nguồn gốc từ thời Trần và gắn liền với không gian văn hóa thời Trần tại Nam Định. Trong lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ, hoạt động đặc sắc mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa và phần lớn các hoạt động đều diễn ra trên sông nước, tượng trưng cho các trận thủy chiến của quân dân nhà Trần đánh tan quân xâm lược. Đó là nghi lễ rước kiệu Thánh và nhang án 18 cụ Tổ tập - tượng trưng sức mạnh đoàn kết, được coi như “Hội nghị Diên Hồng”, biểu dương sức mạnh tinh thần “Sát Thát” của quân dân nhà Trần “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức nên giặc phải đầu hàng”. Trong lễ hội có các tiết mục múa rồng với sự xuất hiện của cặp song long (rồng vàng, rồng xanh). Rồng vàng là biểu tượng của Thiên tử - Vua Trần, rồng xanh biểu tượng cho tầng lớp nhân dân, thể hiện chính sách “thân dân”, “dĩ dân vi bản” của nhà Trần.
Lễ hội “Thái bình xướng ca” là một trong những lễ hội dân gian truyền thống đặc trưng, tiêu biểu cho nét đẹp văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó văn hóa làng gắn kết, hòa quyện với văn hóa dòng họ, văn hóa gia đình tạo thành những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cư dân nông nghiệp lúa nước với tư tưởng, tình cảm thuần của cư dân nông nghiệp lúa nước chỉ cầu mong “Quốc thái dân an”, “Mưa thuận gió hòa”, “Phong đăng hòa cốc - thóc lúa được mùa”. Với những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tâm linh tiêu biểu, Lễ hội “Thái bình xướng ca” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (theo Quyết định số 155/QĐ-BVHTTDL ngày 2/2/2023), là 1 trong 12 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được vinh danh cấp quốc gia.
Năm Ất Tỵ 2025, Lễ hội “Thái bình xướng ca” lại được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức sôi nổi, là dịp để con cháu gần xa trở về hội tụ cùng gia đình, họ tộc, xóm làng; để mỗi người hướng về cội nguồn, nhớ về tổ tiên dòng họ; cùng nhau tái hiện và thưởng thức các hoạt động lễ hội truyền thống, biểu dương sức mạnh đoàn kết cộng đồng, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/sac-mau-van-hoa-le-hoi-thai-binh-xuong-ca-c6b364b/
Bình luận (0)