Trên toàn cầu ước tính có 37 triệu trẻ em trong độ tuổi 13-15 sử dụng thuốc lá. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ sử dụng TLÐT trong thanh - thiếu niên cao hơn người trưởng thành.

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu của nam giới trưởng thành tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Ðối với TLÐT, tỷ lệ sử dụng ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) năm 2015 là 0,2%, năm 2020 là 3,6%. Tỷ lệ sử dụng TLÐT cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 (7,3%), sau đó là các nhóm tuổi 25-44 (3,2%), 45-64 tuổi (1,4%).

Sản phẩm TLÐT, thuốc lá nung nóng được các công ty quảng bá với tên gọi là "sản phẩm giảm hại". Ðiều này đã làm cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiểu lầm rằng TLÐT, thuốc lá nung nóng không có hại, không gây nghiện. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định đây là những quảng cáo gây nhầm lẫn, TLÐT không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Trên thế giới chưa có bằng chứng về việc TLÐT giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận TLÐT là biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Bằng chứng cho thấy người sử dụng TLÐT, thuốc lá nung nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả TLÐT và thuốc lá thông thường. TLÐT không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc nghiện nicotine. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng TLÐT sẽ có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng TLÐT.

Ngành y tế chú trọng truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá tại các trường học.

Ngành y tế chú trọng truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá tại các trường học.

TLÐT, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường. WHO khẳng định, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khoẻ. TLÐT, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế, lệ thuộc nicotine được phân loại là bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hoá...

Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khoẻ. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hoá chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng. WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, được quy định trong Công ước khung, thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.  

Thực tế cho thấy, các sản phẩm thuốc lá mới đang nhằm vào giới trẻ. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng TLÐT đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Ðáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.

TLÐT sử dụng nhiều hương liệu, hoá chất nên bị lợi dụng để sử dụng ma tuý thông qua việc phối trộn. Các đối tượng tội phạm ma tuý pha trộn ma tuý vào dung dịch để lôi kéo các em hút thuốc, nhằm dẫn dắt các em vào con đường nghiện ma tuý.

Nâng cao nhận thức cho học sinh thông qua Hội thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nâng cao nhận thức cho học sinh thông qua Hội thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo thống kê sơ bộ tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2020 đến nay, trung tâm tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc nicotine và ma tuý tổng hợp, do sử dụng TLÐT. Do tác hại nghiêm trọng về sức khoẻ của các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt là thế hệ trẻ, nếu không quyết liệt ngăn chặn kịp thời, thế hệ trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn.

Trên thế giới đã có 42 nước cấm TLÐT. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn TLÐT là: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15, trong đó thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng TLÐT, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khoẻ con người từ năm 2025, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Ðến ngày 1/1/2025, Việt Nam chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng TLÐT. Ðây là quyết định mạnh mẽ từ Chính phủ, nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và giảm thiểu những hệ luỵ nghiêm trọng mà thuốc lá gây ra, đặc biệt là đối với giới trẻ./.

Lê Kim

Nguồn: https://baocamau.vn/san-pham-moi-va-quang-cao-gay-nham-lan-a104901.html