Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Cần thêm nhiều hỗ trợ

Việt NamViệt Nam02/04/2025


Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Cần thêm nhiều hỗ trợ

Là xu hướng phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao cho nông sản, tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Bình Ðịnh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Môi trường) trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh về tình hình, giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh.

Thưa ông, hiện nay tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Bình Định diễn ra như thế nào?

- Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Bình Định đạt 136 ha, với các mô hình sản xuất ở nhiều loại cây trồng khác nhau.

Cụ thể, vùng lúa hữu cơ tại huyện Hoài Ân đạt 11,7 ha, sản lượng khoảng 90 tấn mỗi năm. Vùng rau hữu cơ do Công ty CP Yuuki Farm đầu tư ở TX An Nhơn có diện tích 6,6 ha, sản lượng đạt hơn 126 tấn/năm. Đặc biệt, về cây ăn quả, tỉnh đang có 2,5 ha bưởi hữu cơ tại xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) với sản lượng khoảng 55 tấn/năm. Về dừa hữu cơ, diện tích toàn tỉnh đạt 115,2 ha, trong đó có 100 ha dừa lấy dầu tại TX Hoài Nhơn và 15,2 ha dừa xiêm tại huyện Phù Cát.

Mặc dù con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng, nhưng đây là bước đầu để xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.

Trồng rau theo tiêu chuẩn hữu cơ tại Công ty CP Yuuki Farm (TX An Nhơn). Ảnh: T.LỢI

Bên cạnh những điểm thuận lợi, việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn, thách thức…

- Việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn nhiều việc phải làm và cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Thứ nhất, việc thu hút DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, hiện phần lớn mô hình sản xuất vẫn chỉ dừng ở quy mô nhỏ, chủ yếu là duy trì các dự án đã có. Thứ hai, chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ tương đối cao, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn hữu cơ (TCVN 11041-2:2017)…

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, nông dân, HTX và DN nên bắt đầu phát triển sản xuất hữu cơ với những cây trồng nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- Tùy vào thế mạnh của từng địa phương, các cá nhân, HTX, DN nên tập trung vào những loại cây trồng phù hợp và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Ví dụ, các loại cây như lúa, rau, bưởi và xoài đều là những sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Định. Các sản phẩm này không chỉ có tiềm năng phát triển tốt mà còn rất phù hợp với tiêu chí sản xuất hữu cơ. Hiện nay, tỉnh cũng đang có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ trong phát triển sản xuất hữu cơ đối với các loại cây trồng này, vì vậy DN và nông dân nên tập trung vào những lĩnh vực này để đạt được hiệu quả cao nhất.

Sản xuất hữu cơ vẫn còn khá mới mẻ đối với nông dân trong tỉnh, vậy để giúp họ tự tin hơn trên con đường này, tỉnh đã triển khai những chính sách hỗ trợ nào, thưa ông?

- Hiện tại tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ nông dân, HTX và cả DN. Chẳng hạn, giai đoạn 2022 - 2026, UBND tỉnh có Quyết định số 83/2022/QĐ-UBND, nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Các chính sách này hỗ trợ về giống, kỹ thuật sản xuất, đồng thời giúp nông dân và DN dễ dàng tiếp cận các nguồn lực tài chính, xúc tiến thương mại.

Có thể nói, đây là bước đi quan trọng, song chúng tôi cũng nhận thấy cần phải triển khai thêm nhiều biện pháp hỗ trợ để đẩy mạnh sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất hữu cơ. Do đó, thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp các địa phương rà soát và xác định những vùng có lợi thế để phát triển sản xuất hữu cơ. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng dự án sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia.

Mặt khác, việc nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả tại các địa phương cũng là một trong những mục tiêu quan trọng. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các liên kết giữa nông dân, HTX và DN để phát triển chuỗi giá trị bền vững và ổn định cho sản phẩm hữu cơ.

Xin cảm ơn ông!

Theo TCVN 11041-2:2017, sản xuất hữu cơ phải tách biệt khu vực không hữu cơ, có vùng đệm ngăn ô nhiễm. Thời gian chuyển đổi là 12 tháng cho cây hàng năm và 18 tháng cho cây lâu năm. Cơ sở phải duy trì sản xuất liên tục, không chuyển đổi qua lại. Sử dụng giống hữu cơ, duy trì đa dạng sinh học, đất không dư lượng hóa chất và chỉ dùng phân khoáng thiên nhiên, phân hữu cơ. Kiểm soát sinh vật gây hại bằng biện pháp sinh học và cơ học…

Căn cứ theo các tiêu chí này, các mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện nay, đặc biệt là của nông dân/HTX đã đáp ứng được. Quá trình chứng nhận sản phẩm hữu cơ được thực hiện qua các tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước, đảm bảo rằng sản phẩm đạt chất lượng cao và phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.

TRỌNG LỢI (Thực hiện)



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=343645

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm