Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Việt NamViệt Nam12/04/2025


Trước dự báo khả năng mùa khô hạn kéo dài, tình hình thời tiết biến đổi cực đoan, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho nhiều loại cây trồng, các hộ dân tại Kon Tum đang tích cực áp dụng khoa học-kỹ thuật và các phương pháp sản xuất phù hợp nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới, hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước cục bộ xảy ra, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tưới cà-phê bằng phương pháp tiết kiệm nước tại cánh đồng mẫu ứng dụng công nghệ cao xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.Tưới cà-phê bằng phương pháp tiết kiệm nước tại cánh đồng mẫu ứng dụng công nghệ cao xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Những ngày đầu tháng 4 này, tuy chưa phải cao điểm mùa khô, nhưng do biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước cục bộ đã xảy ra ở Tây Nguyên. Người làm nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã tìm các biện pháp phù hợp, ứng dụng khoa học-kỹ thuật để khắc phục tình trạng trên.

Nhiều giải pháp chủ động nguồn nước tưới

Những năm gần đây, khí hậu diễn biến cực đoan, mùa mưa thì mưa nhiều hơn, mùa khô thì khan hiếm nguồn nước, ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất của các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trên địa bàn tỉnh, đa số diện tích cà-phê mới chỉ tưới lần 2, còn ít nhất 2 lần tưới nữa nhưng đã xuất hiện tình trạng thiếu nước tưới, nguy cơ mất mùa cao.

Ông Nguyễn Xuân Chấp, thôn 5, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum chia sẻ: Mùa mưa thì mưa “thối đất, thối cát”, gia đình tôi phải đắp kè, khơi rãnh để cứu hơn 2ha cà-phê khỏi bị hư hỏng. Đến mùa khô thì nước cạn kiệt, gia đình lại phải múc nước hồ để chủ động nguồn nước tưới.

Những năm gần đây, khí hậu diễn biến cực đoan, mùa mưa thì mưa nhiều hơn, mùa khô thì khan hiếm nguồn nước, ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất của các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Cách đây không lâu, thời tiết biến đổi thất thường khiến hàng chục cây sầu riêng hơn 1ha của gia đình ông Nguyễn Duy Thiếm, tại thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà bị rụng lá, không bảo đảm cho việc dưỡng quả trong niên vụ mới. Để khắc phục tình trạng này, gia đình ông đã phải vặt bỏ lứa hoa đầu mùa để dưỡng cây.

Ngoài ra, ông đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước theo nguyên lý phun sương, tưới nhỏ giọt cung cấp nguồn nước cho cây sinh trưởng, bảo đảm thích ứng với tình hình thời tiết nóng lạnh bất thường.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng và canh tác cây sầu riêng trong mùa khô hạn, ông Thiếm cho biết: Đối với cây sầu riêng trồng tại huyện Đăk Hà thì yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, bón phân phức tạp hơn so với những vùng khí hậu khác. Đặc biệt vào mùa khô-thời điểm cây sầu riêng ra hoa, cần rất nhiều chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn nước tưới là yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm của vườn cây.

Vào mùa khô, mỗi đợt tưới, cây sầu riêng cần trung bình 150 đến 200 lít nước. Thời điểm này, những đọt non và mầm hoa mới ra rất yếu, nếu sử dụng phương pháp tưới truyền thống bằng hệ thống béc phun thông thường thì rất dễ làm ảnh hưởng đến mầm hoa và ngọn non của cây.

Tuy nhiên, với phương pháp tưới nhỏ giọt bằng hệ thống béc phun gốc như gia đình ông đang áp dụng, lượng nước được phân bổ đều đến tận gốc và thẩm thấu xuống khu vực có rễ cây, vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới cho mỗi đợt, vừa giữ được độ ẩm ổn định. Phương pháp tưới này cũng hạn chế việc phụ thuộc vào nguồn nước, vì có thể tận dụng nước từ hệ thống ao, hồ nhỏ.

Tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà có tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp hơn 2.500ha, chủ yếu là cà-phê và các loại cây ăn trái cần nhiều nguồn nước tưới. Ngay từ đầu mùa khô, xã Hà Mòn đã xây dựng phương án phối hợp với các đơn vị liên quan trong điều tiết nguồn nước tưới, bảo đảm khoa học, hiệu quả.

Trong đó, ngoài tổ chức ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương cấp I, xã rà soát, vận động nhân dân đầu tư lắp đặt các hệ thống phun tưới nước tiết kiệm, có thể tận dụng nước từ các ao hồ, suối nhỏ thay vì phụ thuộc vào nguồn nước chính của kênh cấp I.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Mòn Nguyễn Quang Thịnh cho biết, hiện nay, đa số người dân đã sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, kết hợp chăm bón, bảo đảm sự phát triển cho các loại cây trồng. Thời điểm này, trên địa bàn xã, nguồn nước tưới cơ bản được bảo đảm, không có diện tích bị hạn hán.

Tuy nhiên, xã phối hợp với Ban Quản lý thủy nông điều tiết hợp lý theo nhu cầu của bà con và phối hợp với ngành điện lực để duy trì bảo đảm nguồn điện sản xuất được ổn định và an toàn.

Ứng dụng Khoa học-công nghệ vào sản xuất

Sau thời gian tìm hiểu kỹ thuật, gia đình anh Vi Đăk Uyn tại thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên diện tích 1,3ha cà-phê xen canh sầu riêng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Để nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, anh còn đưa cây chanh dây vào trồng với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Anh Vi Đăk Uyn cho biết, trung bình kinh phí để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng van bù áp cho 1ha như gia đình đang áp dụng không cao hơn so với đầu tư hệ thống tưới tiêu bằng ống nhựa thông thường.

Tuy nhiên, nhờ toàn bộ hệ thống ống tưới được chôn ngầm, giúp kéo dài tuổi thọ của ống tưới và giảm nhân công cho mỗi đợt bơm tưới. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống van bù áp, người sản xuất có thể kết hợp cả quy trình bón phân với phun tưới và giảm được một nửa lượng nước cho mỗi đợt tưới.

“Tôi áp dụng mô hình này được hơn một năm nay, thấy hiệu quả mang lại rất cao. Cụ thể, với vườn của gia đình, một lần hệ thống hoạt động tưới được cả 3 loại cây: Cà-phê, sầu riêng và chanh dây. Thêm một lợi thế nữa là có thể tranh thủ tưới tại nhiều thời điểm khác nhau, ít bị ảnh hưởng bởi lịch điều tiết nước tưới của các hộ chung quanh. Qua đó, vừa bảo đảm vườn cây phát triển ổn định, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, chăm sóc cây trồng mùa khô”, anh Vi Đăk Uyn chia sẻ.

Bước vào mùa khô năm nay, huyện Đăk Hà có tổng diện tích hơn 25.000ha cà-phê và các loại cây ăn trái cần nhiều nguồn nước tưới. Trong đó, có gần 500ha cây trồng có khả năng bị khô hạn, thiếu nước tưới vào thời điểm cuối mùa khô.

Do vậy, bên cạnh công tác quản lý, khai thác hiệu quả các công trình hồ đập chứa nước, hệ thống kênh mương thủy lợi, các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, triển khai các biện pháp tưới nước tiết kiệm.

Tại cánh đồng mẫu cà-phê làng Kon K’Lốc, xã Đăk Mar của Công ty TNHH MTV Cà phê 704, để bảo đảm nguồn nước tưới cho tổng diện tích gần 80ha cà-phê của các hộ công nhân dân tộc thiểu số trong mùa khô, đơn vị đã đầu tư hệ thống bơm động lực công suất lớn để dẫn nước từ đập thủy lợi Kon K’Lốc lên hồ chứa trung tâm khu sản xuất với chiều dài gần 2km.

Đồng thời, lắp đặt đường điện 3 pha để các hộ dân áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước qua hệ thống béc phun. Vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo đảm điều tiết nguồn nước tưới đồng đều cho toàn bộ diện tích.

“Trước đây, mỗi lần tưới nước, bà con phải tốn kém rất nhiều kinh phí mua ống tưới, chi phí nhân công để đưa nước từ dưới hồ chính lên rẫy. Từ ngày công ty đầu tư dàn ống ngầm bơm nước từ dưới lên, bà con tự giác phân lịch để chia nhau tưới, từ xa về gần. Đặc biệt là mấy năm nay, nhờ hệ thống lưới điện nên bà con tưới bằng máy, tiết kiệm được nhiên liệu, nhân công và chi phí. Bà con rất yên tâm sản xuất”, anh A Rôih, Đội trưởng đội sản xuất thôn Kon K’Lốc cho biết.

Trước dự báo thời tiết mùa khô kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ vẫn ở mức cao, bên cạnh làm tốt công tác quản lý nhà nước về quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, việc người nông dân chủ động tìm hiểu, đầu tư ứng dụng các phương pháp canh tác, sản xuất mới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu là yếu tố tích cực. Điều này mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời giúp người dân ổn định sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.



Nguồn: https://baodaknong.vn/san-xuat-thich-ung-bien-doi-khi-hau-249126.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm