Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sáp nhập, cơ chế nào quản lý di sản đô thị?

Một điều được giới yêu văn hóa xứ Quảng băn khoăn, liệu khi thực hiện sáp nhập tỉnh thành, đồng thời không còn đơn vị quản lý cấp huyện, bài toán bảo tồn di sản tại Hội An và Mỹ Sơn sẽ được thực hiện ra sao?

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam29/03/2025

img_3633.jpg
Khu đền tháp Mỹ Sơn thu hút nhiều dự án hợp tác trùng tu, bảo tồn di sản từ các tổ chức quốc tế trong nhiều năm nay. Ảnh: Xuân Hiền

Cơ chế quản lý nào để các di sản văn hóa này vẫn giữ được giá trị nguyên bản, không bị cuốn theo guồng quay phát triển của đô thị hóa?

Nỗ lực bảo tồn

Hội An và Mỹ Sơn là hai viên ngọc quý của Quảng Nam. Dấu ấn của hai địa danh này không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước mà trở thành giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của toàn cầu.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu đền tháp Mỹ Sơn và Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đều thuộc phạm vi quản lý của cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.

Tại đô thị cổ Hội An, địa phương này đang quản lý di sản với tâm thế, hình thức của một đô thị di sản. Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An thực hiện công tác quản lý và bảo tồn hơn 1.400 di tích được kiểm kê phân loại, trong đó có 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và hơn 1.330 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố.

Trong số này phần lớn di tích là nhà ở, nhà thờ đơn lẻ, thuộc sở hữu tư nhân và tập thể, đang được người dân sinh sống và kinh doanh.

Trong khi đó, Trung tâm Văn hóa - thể thao và Truyền thanh - truyền hình TP.Hội An là đơn vị tổ chức khai thác và cung ứng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, bán vé tham quan du lịch... Hai đơn vị quản lý này hiện làm khá tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.

Trong nhiều hội nghị văn hóa của quốc tế, Hội An được đánh giá là hình mẫu của bảo tồn di sản đô thị với những nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn.

Thành phố này không chạy theo mô hình đô thị hóa ồ ạt như nhiều nơi khác khi đặt ra các tiêu chí quản lý nghiêm ngặt, kể cả giới hạn về mật độ xây dựng. Tại Việt Nam, hiện Huế và Hội An là hai thành phố di sản có mặt trong danh sách các thành phố di sản của Tổ chức các thành phố di sản thế giới (OWHC).

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định pháp lý riêng biệt về “đô thị di sản”, dẫu các luật và nghị định hiện hành đã tạo nền tảng cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong quá trình phát triển đô thị.

Đối với Mỹ Sơn, việc bảo tồn di sản thuận lợi hơn Hội An khi đây là khu di sản tĩnh với hơn 40 đền tháp và 1.803 hiện vật, phần lớn bằng chất liệu sa thạch, đất nung và gốm. Các hiện vật này được kiểm kê, bảo quản trong kho mở và trưng bày tại chỗ.

Nhiều năm nay, Mỹ Sơn đã hợp tác với các tổ chức quốc tế và trong nước, thực hiện nhiều dự án trùng tu, bảo tồn các nhóm tháp quan trọng. Mỹ Sơn được đánh giá là hình mẫu trong công tác bảo tồn, trùng tu các di tích khảo cổ của thế giới. Lượng khách du lịch tại đây cũng tăng không ngừng. Năm 2024, Mỹ Sơn đón hơn 430 ngàn lượt khách, cao hơn thời điểm trước dịch COVID-19.

Cơ chế nào khi sáp nhập?

Nếu đặt vào một cơ cấu quản lý mới, khi không còn cấp huyện để giám sát trực tiếp, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các di sản phải đối diện nguy cơ bị lấn át. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có những giải pháp hợp lý. Dư luận cho rằng, khi đô thị hóa bùng nổ, cấp quản lý thay đổi, ở đơn vị hành chính lớn hơn, liệu bảo tồn có còn được ưu tiên?

Hoi An 3
Khu đô thị cổ Hội An được đánh giá là hình mẫu của bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của UNESCO. Ảnh: XUÂN HIỀN

Tương tự, bộ máy hành chính được tái cấu trúc, việc ai chịu trách nhiệm quản lý công tác bảo vệ di sản được đặt ra? Nếu không có hướng giải quyết hợp lý đối với bài toán bảo tồn trong cơn lốc phát triển, Hội An rất dễ trở thành khu du lịch bị thương mại hóa. Mỹ Sơn nếu thuộc về quy mô quản lý cấp xã, phường sẽ rất khó để thu hút các dự án trùng tu từ quốc tế.

Luật Di sản mới được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa. ​Luật này thể hiện rõ nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đồng thời cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý di sản văn hóa. Do đó, cùng với Bộ VH-TT&DL, chính quyền cấp tỉnh hoàn toàn có quyền phân cấp quản lý đối với di sản văn hóa tại địa phương.

Một trong những vấn đề cốt lõi là cơ chế quản lý di sản Hội An sẽ thay đổi ra sao nếu sáp nhập tỉnh. Đặc thù quản lý bảo tồn di sản Hội An buộc phải gắn với chính quyền địa phương, bởi cùng với số lượng di tích, đây là khu bảo tồn sống với những nếp văn hóa sinh hoạt diễn ra ngay trong khu vực bảo tồn.

Hiện tại, Hội An có những quy định nghiêm ngặt về xây dựng, giữ nguyên trạng cảnh quan phố cổ. Nếu cơ chế này bị nới lỏng để phù hợp với một chính quyền đô thị lớn hơn, di sản này có thể bị ảnh hưởng.

“Đặt giả thiết Quảng Nam và Đà Nẵng tái nhập tỉnh, số lượng di sản văn hóa thế giới nhiều hơn. Hiện nay, các khu di sản ở Quảng Nam đều có Ban quản lý hoặc trung tâm quản lý và đang hoạt động khá hiệu quả.

Phương án tối ưu chính là nhập các ban quản lý về cùng một đầu mối trực thuộc Sở VH-TT&DL hoặc UBND cấp tỉnh, thành phố. Từ đầu mối này, các đơn vị cũ vẫn hoạt động như nhiệm vụ đã làm trước đây dưới sự giám sát của một đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. “ - một cán bộ của Ban Quản lý Khu đền tháp Mỹ Sơn đề xuất.

Đây cũng là phương án được ghi nhận ở nhiều người làm văn hóa của Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Tất yếu sau lộ trình sáp nhập hành chính, cơ chế quản lý bảo tồn di sản phù hợp phải được tính toán, để giữ bản sắc văn hóa, hồn cốt của mỗi vùng đất.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/sap-nhap-co-che-nao-quan-ly-di-san-do-thi-3151700.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm