Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài cuối: Gìn giữ, phát huy những mạch nguồn

Sông Hồng có tổng chiều dài 1.149 km, bắt đầu từ dãy núi Ngọa Sơn thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sau đó chảy qua lãnh thổ Việt Nam hơn 500 km trước khi hòa vào đại dương bao la. Trên địa phận Việt Nam, dòng sông chảy qua 9 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình. Những mạch nguồn văn hóa được kết tinh, phát huy cả ngàn đời nay dọc dòng sông lớn đã tạo nên dòng chảy văn hóa, nền văn hóa sông Hồng mang những nét riêng có.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai31/03/2025

Ở 3 bài viết trước, chúng tôi đã đề cập tới những nét đặc sắc trong văn hóa tâm linh, tinh thần của các cư dân sông Hồng. Để có cái nhìn tổng quan, bài viết này chúng tôi tập trung phản ánh sự phong phú hệ thống văn hóa phi vật thể của các địa phương nằm đôi bờ sông Hồng cũng như sự sáng tạo, hiệu quả trong việc phát huy vai trò của văn hóa phi vật thể thành tài sản.

Hệ thống văn hóa phi vật thể phong phú

Trong số 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (tính tới năm 2024) vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp thì những địa phương nằm dọc đôi bờ sông Hồng có tới 6 di sản, đó là hát ca trù, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc, hát xoan Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, nghi lễ và trò chơi kéo co, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ. Điều này cho thấy hệ thống văn hóa phi vật thể dọc dài đôi bờ sông Hồng rất phong phú.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thì sông Hồng phần chảy qua lãnh thổ Việt Nam đi qua nhiều tỉnh, thành phố, từ vùng núi cao Lào Cai tới đồng bằng châu thổ có đặc điểm nhiều tộc người sống đan xen, hệ thống các phong tục, tập quán và các hình thức sinh hoạt thực hành văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, hoạt động của nhiều làng nghề truyền thống đã tích lũy, tạo thành kho tàng tri thức văn hóa bản địa độc đáo. Cùng với đó là tâm lý tri ân, sùng bái sức mạnh phù trợ của các lực lượng tự nhiên giúp con người bảo tồn sự sống, xây kết nên những giá trị văn hóa mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Tất cả là điều kiện ra đời của hàng loạt hình thức thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tạo nên bản sắc và truyền thống văn hóa của mỗi cộng đồng người.

Quả thực là như vậy, chẳng hạn như ca trù hay còn gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò và hát ca công… được biết đến là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Ca trù được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội, được cộng đồng lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Hay như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ hàng ngàn năm qua, được người dân cả nước lưu truyền, sáng tạo, thể hiện sự biết ơn đối với Thủy tổ của dân tộc.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: “Biểu hiện tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Với sự tham dự, chiêm bái trực tiếp của hàng trăm nghìn lượt người và sự hướng về của triệu triệu người trong và ngoài nước đối với Thủy tổ của dân tộc là minh chứng đậm nét truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Cùng với Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, các địa phương nằm dọc đôi bờ sông Hồng còn có hàng trăm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Văn hóa phi vật thể chiếm giữ vị trí rất quan trọng trong đời sống người dân Việt Nam nói chung, người dân sinh sống ở đôi bờ sông Hồng nói riêng, bởi vậy rất cần bảo tồn và phát triển.

Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Việt Nam là đất nước có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc, đồng thời tiếp thu và góp phần vào nền văn hóa chung của nhân loại”.

Biến di sản thành tài sản

“Biến di sản thành tài sản” là khái niệm được nhắc nhiều, được các cấp, ngành chức năng đề cao, chú trọng thực hiện. Những năm qua, tại các địa phương dọc đôi bờ sông Hồng đều rất chú trọng thực hiện nội dung này, bởi văn hóa phi vật thể đã và đang là nguồn lực, giữ vài trò chủ đạo cho chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, thu hút và thúc đẩy phát triển du lịch.

Mỗi một tộc người có đặc điểm văn hóa khác nhau, có các di sản mang tính đặc thù tạo nên vùng văn hóa đa dạng. Sự đa dạng đó chính là nguồn lực nuôi dưỡng cho du lịch di sản phát triển. Di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là tiềm năng, nguồn lực của du lịch, mà còn trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở nhiều cảnh quan sinh thái khác nhau đã tạo nên sự độc đáo trong du lịch. Sự độc đáo đó càng được tô đậm khi mỗi một dân tộc còn lưu giữ một bản sắc văn hóa tộc người riêng biệt. Vì vậy, văn hóa phi vật thể của Việt Nam nói chung, các địa phương dọc đôi bờ sông Hồng nói riêng thực sự là cơ sở, nền tảng để tạo ra sự hấp dẫn, đặc sắc trong các sản phẩm du lịch. Đó là sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, người Dao, người Xá Phó, người Tày trên các đỉnh núi Sa Pa; đó là sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường tạo nên những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải - Yên Bái; hay như các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang, những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm nông nghiệp xưa. Như vậy, tính đa dạng, phong phú các di sản văn hóa tộc người đã tạo nên sức hút cho du lịch.

Nổi bật như tại Lào Cai, địa phương với 25 nhóm ngành dân tộc cùng chung sống tạo nên kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Hiệu quả của các chủ trương, chính sách đúng đã từng bước đưa Lào Cai trở thành một trong những địa phương tiêu biểu của cả nước bảo tồn tốt các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc, trở thành nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch. Đã có hàng chục nghi lễ, lễ hội của đồng bào được khôi phục, như Lễ hội Xuống đồng của đồng bào Tày, Giáy; lễ hội Gầu tào của đồng bào Mông; lễ Tết nhảy của người Dao…

“Chính những nghi lễ, lễ hội truyền thống này hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đã níu chân du khách nhiều lần đến Lào Cai mãi không quên” - ông Dương Tuấn Nghĩa tự hào nhấn mạnh.

Các tỉnh, thành phố bên đôi bờ sông Hồng đã quy hoạch và xây dựng các di tích trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành các điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Hệ thống cơ sở hạ tầng gắn với các điểm du lịch như bãi đỗ xe, sân hành lễ, các cửa hàng dịch vụ đều được xây dựng... Nhờ vậy, lượng khách đến các điểm du lịch tăng nhanh. Trước khi được quy hoạch xây dựng điểm du lịch, đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai) chỉ thu được 6 tỷ đồng, đền Đông Cuông (tỉnh Yên Bái) thu 5 tỷ đồng, nhưng sau 2 năm thực hiện xây dựng điểm du lịch tâm linh, chuyển đổi mô hình quản lý, tăng cường xúc tiến quảng bá, các điểm du lịch tâm linh đã có nguồn thu tăng đột biến. Năm 2019, điểm du lịch Di tích quốc gia đền Bảo Hà thu 45 tỷ đồng; điểm du lịch Di tích quốc gia đền Đông Cuông thu gần 20 tỷ đồng. Nguồn thu lớn của các điểm du lịch đã hỗ trợ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử ở trong vùng, giúp bảo tồn, phát huy giá trị cổ.

Bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch di sản là vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Bởi vậy, muốn phát triển được du lịch, đồng thời bảo tồn được di sản văn hóa cần có hệ thống các giải pháp mang tính chất tổng thể. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cho rằng trong quy hoạch du lịch phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của di sản văn hóa phi vật thể. Sản phẩm du lịch phải mang được cái hồn của văn hóa dân gian, có nhiều yếu tố đặc sắc, đặc thù cho từng tộc người, từng vùng miền khác nhau (đặc sắc về không gian, thời gian, tộc người, lịch sử…). "Bởi vậy, sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc thiểu số kiên quyết chống hàng giả, hàng nhái. Các chương trình văn nghệ, các nghi lễ trình diễn, các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số phải tôn trọng tính khách quan, chân thực của bản sắc tộc người” - Tiến sĩ Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.

Kết nối dòng chảy văn hóa dọc sông Hồng đã và đang được các địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ đã tham gia ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc nhằm mở rộng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết nói chung, các tỉnh dọc sông Hồng gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ nói riêng.

Đặc biệt, tỉnh Lào Cai - nơi thượng nguồn sông Hồng của cả nước đã có sáng kiến thực hiện Festival sông Hồng vào năm 2024 với nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch để tăng cường sự hiểu biết, hợp tác giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các địa phương dọc sông Hồng (tuy nhiên do ảnh hưởng của bão số 3, lễ hội đã tạm dừng các hoạt động lễ chính chuyển sang năm 2025; năm 2024 mới chỉ thực hiện một số hoạt động văn hóa, thể thao như Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua - hai quốc gia”; Cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề về Lào Cai, sông Hồng; đăng cai Giải bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2024). Với nhiều hoạt động sáng tạo mang đặc trưng vùng miền, lễ hội sẽ là không gian văn hóa với dòng chảy tinh hoa gắn với dòng sông Hồng rộng lớn... Từ đó thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, tạo nên các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của từng địa phương.

Nguồn: https://baolaocai.vn/bai-cuoi-gin-giu-phat-huy-nhung-mach-nguon-post399526.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm