Mặc dù mới bắt đầu vào mùa mưa bão năm 2025, nhưng với diễn biến phức tạp của thời tiết, tại nhiều địa phương trên cả nước, thiên tai đã để lại những hậu quả nặng nề. Mới đây nhất là hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây chết người và thiệt hại nhiều tài sản của người dân tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Dự án kè chống sạt lở suối Đông Lạnh, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình được xây dựng nhằm khắc phục tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn xã Hòa Bình trong mùa mưa bão.
Tỉnh Hòa Bình với địa hình đồi núi phức tạp cũng là địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão. hưởng đến nhà cửa và tài sản của nhiều hộ dân. Đặc biệt, tại xóm Nà Chào, xã Bao La, mưa to kèm lốc xoáy đã làm sạt lở đất taluy dương khoảng 20m3 vào sân nhà ông Lường Thanh Xuyên, vùi lấp 1 xe đạp điện, 1 xe đạp và một số vật dụng khác. Rất may không có thiệt hại về người, nhưng sự cố sạt lở đất tại xóm Nà Chào đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: Không cần phải mưa lâu, không cần đất "no" nước, sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào và người dân không thể chủ quan, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình, sạt lở đất là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn các huyện, thành phố, vào mùa mưa bão thì tần suất nhiều hơn. Sạt lở đất thường xảy ra do mưa to kéo dài, do sự thay đổi độ nóng ẩm của đất hoặc do tác động của con người vào phần mái dốc, xây dựng công trình trên sườn dốc. Trên địa bàn tỉnh, sạt lở đất thường xảy ra tại các tuyến đường giao thông như: dọc tỉnh lộ 433 từ xã Tú Lý, huyện Đà Bắc đến TP Hòa Bình và dọc quốc lộ 6. Ngoài ra, sạt lở đất cũng thường có ở các vùng có địa chất, địa hình không ổn định như các xã: Nánh Nghê, Giáp Đắt (Đà Bắc); Mai Hạ, Chiềng Châu, Xăm Khòe (Mai Châu); Nhân Mỹ, Đông Lai (Tân Lạc)...
Cùng với sạt lở đất, tỉnh Hòa Bình cũng là địa bàn có nguy cơ cao với lũ ống, lũ quét do địa hình phức tạp, chia cắt, nhiều sông, suối. Đây là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra khi có mưa to kéo dài trên địa bàn nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Riêngtỉnh Hoà Bình, ngành Khí tượng thuỷ văn cảnh báo, 10/10 huyện, thành phố đều nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét.
Thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường là một trong những thách thức lớn đối với phát triển kinh tế bền vững. Năm 2024, toàn tỉnh thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng do thiên tai. Trong đó, sạt lở đất để lại hậu quả nặng nề tại nhiều địa phương. Đáng chú ý, với đặc điểm địa chất là dạng đất, đá không có độ kết dính và địa hình đồi núi có độ chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, kéo dài, xen kẽ là các vùng trũng thấp, thung lũng dọc các sông, suối lớn, Hòa Bình tiếp tục là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cao sạt lở đất kèm theo lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão.
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 2.000 hộ nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Cụ thể, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã kiểm tra, rà soát, xác định 234 điểm với hơn 5.000 hộ nằm trong vùng nguy cơ thiên tai cao cần có phương án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư. Trong đó, 143 điểm nguy cơ sạt lở với hơn 2.000 hộ bị ảnh hưởng cần bố trí ổn định dân cư; 21 điểm thường xuyên bị lũ ống, lũ quét với khoảng 167 hộ bị ảnh hưởng; 70 điểm thường xuyên bị ngập úng với hơn 1.700 hộ bị ảnh hưởng. Nhiều điểm sạt lở được UBND tỉnh xếp vào dự án cấp bách triển khai phương án xử lý như: khu vực tổ 15, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình); khu đồi Lủ Thao, xã Lâm Sơn (Lương Sơn)… Ngoài ra, tại các địabàn vùng núi còn nhiều khu vực bị sạt trượt từ mùa mưa bão năm 2024 nhưng đến nay mới chỉ có phương án di dời dân mà chưa có các giải pháp khắc phục triệt để.
Theo đồng chí Hoàng Lan Thu, Chi cục phó Chi cục Quản lý tài nguyên nước và thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường), từ mùa mưa bão năm 2024, các điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở đã được các địa phương dựng biển cảnh báo để người dân biết, chủ động đề phòng. Năm 2025, không chủ quan, lơ là trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, thông tin về những công trình trọng điểm, xung yếu có nguy cơ rủi ro thiên tai cao, đặc biệt là ảnh hưởng đến dân cư, cơ sở hạ tầng. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xây dựng phương án phòng chống sạt lở đất, lũ ống, lũ quét cụ thể, từ địa điểm nơi di dân đến, phương tiện hỗ trợ đến lực lượng ứng phó, lực lượng chỉ huy đối với tất cả các địa bàn dân cư có nguy cơ cao.
Thực tế diễn biến thời tiết trong những năm qua cho thấy, trên địa bàn tỉnh xảy ra hầu hết các hình thái thiên tai, đặc biệt sạt lở đất, đá ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật, khó dự báo chính xác. Do vậy, cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành, chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao ý thức đề phòng, chủ động ứng phó và tuân thủ tuyệt đối sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, khẩn trương di dời khỏi nơi có nguy cơ sạt lở mùa mưa bão. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, người dân cần báo chính quyền địa phương để có phương án xử lý kịp thời.
Đinh Hòa
Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/274/201301/Sat-lo-dat-khong-the-chu-quan.htm
Bình luận (0)