Đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ y tế
Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành sắp xếp, bố trí diện tích làm việc của các cơ sở y tế theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Cụ thể, tại các tỉnh, thành không thực hiện sáp nhập, sắp xếp chính quyền cấp tỉnh: Đối với các cơ sở y tế không thay đổi, không bổ sung chức năng, nhiệm vụ, cơ bản duy trì, giữ nguyên trụ sở, nhà đất hiện có. Tiếp tục rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng y tế hiện có để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh và khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn.
Ưu tiên sử dụng các cơ sở trạm y tế phù hợp để duy trì hoạt động y tế tại các địa bàn sáp nhập
ẢNH: LIÊN CHÂU
Đối với cơ sở y tế có thay đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, các địa phương chủ động rà soát nhu cầu, trước mắt sắp xếp điều chỉnh bổ sung từ các trụ sở dôi dư trên địa bàn để đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực hiện ngay chức năng, nhiệm vụ mới sau khi sắp xếp mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Các tỉnh, thành thực hiện sáp nhập, sắp xếp chính quyền cấp tỉnh: Thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ trụ sở, cơ sở vật chất và tài sản hiện có của các cơ sở y tế cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý; đánh giá mức độ phù hợp của cơ sở hạ tầng hiện tại với yêu cầu hoạt động và quy mô dân số của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Đối với cơ sở y tế cấp huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) trước đây: việc sắp xếp các cơ sở y tế cấp huyện được thực hiện rà soát, điều chỉnh chức năng để phù hợp với mô hình quản lý mới theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ y tế cho người dân.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch sử dụng hiệu quả các tài sản công này, bao gồm cả việc nâng cấp, cải tạo hoặc điều chuyển để đảm bảo không gây xáo trộn, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế và phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Các cơ sở y tế hiện có giữ nguyên trụ sở, nhà đất tiếp tục duy trì hoạt động và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của cấp có thẩm quyền để đảm bảo tính liên tục trong cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân.
Đối với trạm y tế xã, phường, Bộ Y tế lưu ý các địa phương tập trung củng cố, tăng cường năng lực cho các trạm y tế hiện có tại các đơn vị hành chính mới được hình thành sau sáp nhập.
Ưu tiên sử dụng các cơ sở trạm y tế hiện có phù hợp để duy trì hoạt động y tế tại các địa bàn sáp nhập, đảm bảo người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ y tế ban đầu.
Trong trường hợp có nhiều trạm y tế tại cùng một đơn vị hành chính cấp xã mới, ưu tiên lựa chọn nơi có vị trí thuận lợi, cơ sở vật chất tốt nhất làm cơ sở chính; các cơ sở còn lại địa phương rà soát để bố trí tiếp tục hoạt động, đáp ứng yêu cầu với chức năng, nhiệm vụ theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để duy trì và mở rộng mạng lưới tiếp cận dịch vụ, phục vụ tốt nhất cho người dân.
Trường hợp cần thiết, xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm diện tích cho cơ sở chính từ các cơ sở dôi dư sau sắp xếp để đảm bảo phù hợp với yêu cầu và chức năng, nhiệm vụ mới.
Về tiêu chuẩn định mức diện tích chuyên dùng chung cho các khoa trong bệnh viện, cần đảm bảo: chỗ làm việc (diện tích làm việc dành cho 1 nhân viên y tế để hướng dẫn, làm các thủ tục hành chính, tiếp nhận, trả kết quả), là từ 4 - 6 m2/người; chỗ đợi (phần diện tích có lắp đặt ghế ngồi đợi) 1,2 - 1,5m2/ người lớn; 1,5 - 1,8 m2/trẻ em.
Căn cứ quy mô, công suất hoạt động của mỗi đơn vị để xác định số chỗ làm việc cho phù hợp. Phòng trưởng khoa 26 m2/người; phòng lưu bệnh nhân 1 giường 12 - 15 m2/giường, không bao gồm diện tích phòng vệ sinh, lô gia...
Nguồn: https://thanhnien.vn/sau-sap-nhap-y-te-co-so-hoat-dong-ra-sao-185250707194953416.htm
Bình luận (0)