Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sẽ phân cấp tổng biên chế cho địa phương linh hoạt hơn

Ngày 25-7, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành nội vụ, lãnh đạo Sở Nội vụ các địa phương đã chia sẻ những khó khăn bước đầu khi vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng25/07/2025

Từ khó khăn trong thực hiện, các địa phương nêu những giải pháp để vận hành mô hình hiệu quả hơn, hướng tới chính quyền gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Sớm khắc phục khó khăn

Nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp tinh gọn bộ máy theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho biết, khó khăn đầu tiên là về thể chế, chính sách.

Theo đó, dù Chính phủ, Bộ Nội vụ và các bộ quản lý chuyên ngành đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, song thực tiễn triển khai thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ở TPHCM đã phát sinh nhiều tình huống mà chưa có văn bản nào quy định. Điều này đã dẫn đến khó khăn, lúng túng khi tổ chức thực hiện, nhất là đối với các đơn vị hành chính cấp xã.

Z4a.jpg
Quang cảnh hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành nội vụ

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm dẫn chứng, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đơn vị hành chính cấp xã khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được quyền thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập. Song qua thực tế, vẫn cần văn bản hướng dẫn, thống nhất từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh về mặt pháp lý và chuyên môn nghiệp vụ.

Ngoài vướng mắc về thể chế, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp còn gặp khó khăn trong tổ chức, nhân sự. TPHCM mới có diện tích rộng hơn, cán bộ, công chức phải đi làm xa, nhưng trụ sở ở một số nơi chưa đảm bảo, dẫn đến tâm lý lo lắng.

Cùng với đó, việc phân công nhiệm vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự đồng bộ, có nơi xảy ra tình trạng thừa - thiếu cục bộ nhân sự.

Lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM cũng thông tin, với phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý rộng hơn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn (như kỹ năng quản lý, điều hành, tham mưu, tổng hợp) cũng như kỹ năng số để đảm bảo chất lượng, hiệu quả tham mưu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế…

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, thời gian tới, TPHCM tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách sau khi sắp xếp; rà soát, đánh giá thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan đến đời sống, an sinh xã hội cho cá nhân và tổ chức, với nguyên tắc không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Đồng thời, tập trung giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính.

Ông Phan Văn Bình, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nêu thực trạng, khó khăn nhất ở địa phương này là thiếu trang thiết bị làm việc, nhất là xã, phường, Trung tâm phục vụ hành chính công ở khu vực miền núi; hạ tầng công nghệ thông tin yếu, chưa ổn định, ảnh hưởng tới truy cập, xử lý văn bản khi thực hiện dịch vụ công; chất lượng cán bộ, công chức không đồng đều giữa các khối Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể; chỉnh lý, số hóa tài liệu chưa được nhiều…

Tại hội nghị, một số địa phương cũng thẳng thắn nêu lên nhiều khó khăn trong gần 1 tháng vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An Nguyễn Viết Hưng chia sẻ, hiện nay công việc ở cấp xã rất nhiều, đã phân cấp nhiều, chủ tịch UBND cấp xã cơ bản thực hiện công việc như của chủ tịch UBND cấp huyện trước khi sắp xếp. Hiện nay, khối lượng hồ sơ lưu trữ rất lớn, cần số hóa dữ liệu sớm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên, cho hay, khi vận hành mô hình mới, với các địa phương miền núi, nhất là vùng có đồng bào dân tộc, cần có những bạn trẻ am hiểu bản địa, am hiểu tiếng dân tộc, am hiểu công nghệ, do vậy Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn tuyển dụng cán bộ bán chuyên trách ở xã để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng Đỗ Văn Chung nêu những bất cập trong liên thông dữ liệu với các bộ, ngành khiến công tác giải quyết thủ tục hành chính gặp khó khăn…

Khó khăn, vướng mắc là tất yếu

Về việc vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ; do đó, những khó khăn, vướng mắc, bất cập ban đầu trong gần 1 tháng qua là điều tất yếu.

Song, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, điều quan trọng là nhận diện được những khó khăn, vướng mắc, bất cập này để tập trung tháo gỡ, qua đó đạt được mục tiêu chính quyền địa phương 2 cấp gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

DSC_0556.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị

“Bài học qua việc tổ chức thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là bài học về tinh thần dọc ngang thông suốt để quyết định thành công. Cùng với đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, và đặc biệt là người đứng đầu Đảng ta…”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định.

Nói về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các đơn vị, địa phương trước mắt cần đảm bảo ổn định tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương 2 cấp, nhưng cũng hướng tới đẩy nhanh hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để phục vụ người dân tốt hơn.

Bộ Nội vụ sẽ tham mưu để xác định có bao nhiêu vị trí việc làm trong hệ thống chính trị hiện nay, từ đó có căn cứ đưa ra số lượng dự kiến biên chế trong giai đoạn 2026-2030; sắp tới sẽ phân cấp tổng biên chế cho địa phương linh hoạt hơn.

“Các địa phương không thể mặc chung một “chiếc áo”, “chiếc áo” ở Hà Nội phải khác, “chiếc áo” ở vùng sâu vùng xa phải khác. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu khi vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu quan điểm khi giao tổng biên chế trong thời gian sắp tới.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng được nhiệm vụ mới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương tham mưu để tăng cường cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành; có đánh giá cán bộ, công chức cấp xã công khai, dân chủ, chính xác để cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với thực hiện các chính sách hiện có, đảm bảo giữ chân được cán bộ có năng lực; đồng thời quan tâm nơi ăn chốn ở, đảm bảo ổn định cuộc sống cho đội ngũ cán bộ, công chức khi phải di chuyển tới nơi làm mới.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 15-7, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở và lực lượng vũ trang đã có quyết định nghỉ việc, số người đã được nhận tiền chính sách, chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ là 85.447 người; số đã nghỉ việc là 77.278 người (nghỉ hưu và nghỉ thôi việc); số người đã được nhận tiền hoặc đã được trình phê duyệt để nhận tiền là 74.248 người.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/se-phan-cap-tong-bien-che-cho-dia-phuong-linh-hoat-hon-post805498.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm