
Không khó để bắt gặp hình ảnh sinh viên tất bật trong bộ đồng phục của quán cà phê, siêu thị, nhà hàng, hay len lỏi trên đường phố với balo giao hàng phía sau lưng. Công việc làm thêm phổ biến nhất có thể kể đến là phục vụ quán cà phê, nhà hàng, tiệc cưới, thu ngân, bán hàng ở siêu thị, làm trợ giảng tại các trung tâm hoặc nhận việc ship hàng công nghệ.
Nguyễn Ngọc Doanh Doanh, sinh viên năm hai Trường Đại học Duy Tân, hiện đang làm thu ngân tại một nhà hàng nhỏ ở quận Hải Châu, cho biết: “Ban đầu em chỉ định làm thử vài tuần cho vui Nhưng rồi càng làm càng thích. Dù áp lực lúc đông khách, hay phải tính toán cẩn thận tiền bạc, nhưng em học được rất nhiều điều – từ cách giao tiếp với khách hàng đến việc giữ bình tĩnh khi có sự cố”.
Không giống như thời học sinh, sinh viên có thể chủ động hơn về thời gian và mục tiêu công việc. Có người đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp, có người để tự trang trải sinh hoạt phí, thậm chí phụ giúp gia đình. Nhưng cũng có bạn đơn giản chỉ vì “không muốn mùa hè trôi qua một cách vô nghĩa”.
Phúc Công, sinh viên năm nhất Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, hiện đang phụ việc tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Sinh Sắc chia sẻ: “Lúc đầu ba mẹ em cũng lo, sợ em làm thêm rồi xao nhãng việc học. Nhưng em đã hứa rõ là chỉ làm buổi chiều, buổi sáng vẫn học hè ở trường. Bây giờ mỗi tối được ngồi order, dọn bàn, rửa ly, em lại thấy vui. Có hôm mệt quá chỉ muốn nằm dài, nhưng rồi cũng qua. Bù lại cuối tháng có tiền lương, em tự mua cho mình một đôi giày mà trước giờ toàn phải xin bố mẹ”.
Câu chuyện đi làm thêm của sinh viên cũng để lại nhiều cảm xúc đầu đời. Dương Thanh Long, sinh viên Đại học Luật Huế, đang chạy shipper khi về nhà nghỉ hè bằng một ứng dụng giao hàng, tâm sự: “Có hôm trời mưa to, em đi giao hàng mà ướt từ đầu đến chân. Nhưng khi tới nơi, khách đón nhận gói hàng, cảm ơn một cách thật lòng, em thấy công sức mình bỏ ra không vô nghĩa. Làm shipper, em học được cách định vị, kiểm soát thời gian, và cả cách giữ bình tĩnh khi gặp tình huống oái oăm như khách hủy đơn phút chót hay sai địa chỉ”.
Bên cạnh niềm vui có thêm thu nhập, điều khiến nhiều sinh viên có được chính là sự trưởng thành qua từng ngày làm việc. Lần đầu tiên đứng trước khách hàng, lần đầu tiên bị nhắc nhở vì sai sót, lần đầu tiên nhận lương và tự chi tiêu bằng đồng tiền do chính mình kiếm được.
Tuy vậy, không phải công việc nào cũng suôn sẻ. Một số bạn chia sẻ rằng, vì thiếu kinh nghiệm nên đã bị ép làm việc nặng nhọc, thời gian kéo dài, hoặc không được trả đúng thỏa thuận.
“Có hôm em bị khách mắng vì chậm pha cà phê, trong khi quán đông quá mà em mới làm chưa quen. Em buồn lắm, về nhà chỉ muốn nghỉ. Nhưng rồi nghĩ, nếu dễ bỏ cuộc vậy thì làm sao trưởng thành được”, Phúc Công kể.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, anh Phạm Minh, chủ một quán cà phê tại phường Hòa Minh, chia sẻ: “Tôi thường chỉ nhận sinh viên năm hai, năm ba, vì các bạn đã ý thức tốt hơn. Khi nhận, tôi luôn trao đổi rõ ràng về công việc, quyền lợi và cả giới hạn thời gian. Có những bạn rất nhanh nhẹn, trách nhiệm, làm việc đâu ra đó. Nhìn các em chăm chỉ, tôi thấy thương nhiều hơn là kỳ vọng”.
Trong khi đó, phụ huynh của các sinh viên đi làm thêm cũng mang nhiều tâm trạng khác nhau. Có người ủng hộ, có người lo lắng, nhưng phần lớn đều công nhận rằng, việc cho con ra ngoài xã hội sớm sẽ giúp con cứng cáp hơn.
Anh Toàn, ba của sinh viên Dương Thanh Long, chia sẻ: “Ban đầu tôi không đồng ý cho cháu đi giao hàng vì thấy nguy hiểm. Nhưng thấy cháu nghiêm túc, có kế hoạch cụ thể và biết giữ an toàn cho mình, tôi mới dần yên tâm. Từ khi đi làm, cháu biết tiết kiệm, biết trân trọng đồng tiền, và cũng quan tâm tới sức khỏe hơn”.
Ở góc độ giáo dục, nhiều giảng viên đại học cũng khuyến khích sinh viên đi làm thêm nếu công việc phù hợp và không ảnh hưởng đến việc học. Cô Trầm Thị Trạch Oanh, giảng viên khoa Giáo dục nghệ thuật – Thể chất Trường Đại học Sư phạm, nhận xét: “Sinh viên nên đi làm thêm để trải nghiệm, nhưng cần chọn công việc lành mạnh, an toàn và có thời gian hợp lý. Đôi khi một tháng làm việc thực tế giúp các em trưởng thành hơn cả một học kỳ lý thuyết”.
Thực tế cho thấy, nhiều trường đại học cũng đang xây dựng chương trình hỗ trợ sinh viên tìm việc làm thêm qua các trung tâm hỗ trợ sinh viên, nhằm kết nối các địa điểm uy tín, tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm nghề nghiệp một cách bài bản, không đơn thuần chỉ là kiếm tiền.
Lựa chọn đi làm thêm trong dịp hè đã không còn là chuyện hiếm với sinh viên ngày nay. Dù công việc khác nhau, dù động lực khác nhau – người vì đam mê, người vì hoàn cảnh – nhưng tựu trung, tất cả đều đang cố gắng vượt ra khỏi vùng an toàn để va chạm, trưởng thành và tự lập. Đằng sau những giọt mồ hôi là bài học quý báu về giá trị lao động, sự kiên trì và trách nhiệm với chính bản thân mình.
Mùa hè rồi cũng sẽ qua, nhưng những gì sinh viên học được từ công việc – đôi khi là một lời trách nhẹ, một lần mỏi chân hay một nụ cười của khách hàng – sẽ còn theo họ rất lâu sau đó, như một phần của hành trang tuổi trẻ.
Nguồn: https://baodanang.vn/sinh-vien-va-lua-chon-di-lam-them-dip-he-3265121.html
Bình luận (0)