“Kết hôn với chính mình” (NXB Đà Nẵng, 2025) là cuốn sách thứ 15 của nhà thơ Lý Đợi, quê Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.Y |
“Kết hôn với chính mình” tập hợp 44 tạp văn trong một cuốn sách dày chưa tới 200 trang. Phần lớn tác phẩm dưới 800 chữ, mang lối hành văn sáng sủa, không ẩn ý, dễ đọc. Đây là tác phẩm tiếp nối tinh thần “tôi cãi, nghĩa là tôi tồn tại” mà nhà thơ Lý Đợi đã theo đuổi trong rất nhiều cuốn sách, bài viết và sáng tác. Ví như trong bài “Không có nhà thơ nào tên Nguyễn Du”, anh phân tích “nhờ Truyện Kiều nổi tiếng quốc tế, mà Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới” vào năm 2013.
Với đại đa số, đây là sự thật hiển nhiên, nhưng thực ra lúc sinh thời, không có tập sách nào ký bút danh là Nguyễn Du cả. Ở một góc nhìn khác trong “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”, tác giả phân tích rằng, cô đơn là vốn có, là tự tính của muôn loài, muôn vật và của cả vũ trụ. Vậy thì đâu có gì phải né tránh hoặc sợ cô đơn, mà nên quý mến đón nhận nó. Chỉ khi ta dõng dạc, an lạc với tình trạng ta là một, là riêng, là thứ nhất, thì mới thực sự sống với chính mình. Và lúc ấy mới thực sự chia sẻ được nỗi cô đơn của người khác, trong đó có máu mủ, ruột thịt của mình.
Nếu để xác định các yếu tố hình thành nên cuốn sách, tác giả chọn ba từ: kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. Những tạp văn trong sách, dù viết về đời sống, văn hóa hay triết lý, đều được lọc qua lăng kính cá nhân, từ những gì anh học được, va chạm và chiêm nghiệm. Anh cho hay, trong quá trình đọc/học Truyện Kiều, anh từng nỗ lực học thuộc hết 3.254 câu, nhưng chỉ thuộc chừng 1.000 câu, đã lấy làm vui rồi.
“Nếu việc thuộc 1.000 câu là kiến thức, thì lúc ấy cũng chẳng hiểu được bao nhiêu câu trong số đã thuộc, nhưng nhờ kinh nghiệm và trải nghiệm văn chương xuyên năm tháng mà gần đây tôi dần dà nhận ra vẻ đẹp của những câu mình chưa thuộc, hoặc không còn thích một số câu đã học thuộc. Trong sách này, tôi có viết một số tạp văn về Truyện Kiều, cũng như phát hiện ra rằng trong quá khứ chưa từng có nhà thơ nào dùng bút danh là Nguyễn Du cả”, nhà thơ Lý Đợi đúc kết.
Nhà thơ Lý Đợi có 5 tập thơ cá nhân và hơn 10 tập in chung. Thơ anh được dịch, xuất bản qua các ngôn ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Romania, Séc, trở thành đề tài nghiên cứu của sinh viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Ảnh: T.Y |
Vì tính chất công việc và niềm yêu thích văn chương, nghệ thuật, Lý Đợi gần như đọc, viết mỗi ngày. Anh cho biết điều này giúp bản thân có khá nhiều tác phẩm chất lượng cộng tác cho các báo, hay đơn giản chỉ để đăng Facebook. Mỗi bài viết, theo anh, chỉ là gợi hứng hoặc tạo cớ để độc giả ngẫm ngợi theo cách riêng. Bên cạnh đó là các tác phẩm hư cấu, khoa học và triết lý, nếu chịu khó suy nghĩ, phân tích, sẽ thấy vô cùng ý vị. “Kết hôn với chính mình” không hô khẩu hiệu, không rao giảng điều gì to tát.
Các bài viết như lát cắt nhỏ, gợi mở người đọc nhìn lại cách mình đang sống, đang nghĩ, đang yêu thương hay đang cô đơn. Cũng như cách tác giả khẳng định “tôi viết vì tôi phải viết, nhưng viết gì thì cũng là viết cho chính mình”. Đó là “tôi” của người trung niên đang bước vào vùng trũng đời người, nơi những câu hỏi cũ trở lại, những niềm tin được soi chiếu, và mọi phán đoán dường như đều cần được đặt dấu hỏi. Triết lý nhân sinh này có thể được nhìn thấy ở các tác phẩm: Châu về hợp phố, Ranh giới của cái thiện, Có thực là “có thực mới vực được đạo”?, Người dưng cùng họ, Mất kết nối với ký ức, Người tốt - người giỏi và người khéo, Sự dị biệt của văn minh, Tượng đài nơi tỉnh thức, Về nhì thì không phải thi…
Trước khi xuất bản tạp văn “Kết hôn với chính mình”, nhà thơ Lý Đợi có 5 tập thơ cá nhân và hơn 10 tập in chung. Thơ anh được dịch, xuất bản qua các ngôn ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Romania, Séc, trở thành đề tài nghiên cứu của sinh viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Anh cũng được biết đến với vai trò nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa, là tác giả hàng ngàn bài viết và 3 cuốn sách về chủ đề Sài Gòn, gần 20 cuốn sách/vựng tập về họa sĩ, triển lãm, thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Ngoài ra, anh còn hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, tư vấn nghệ thuật, triển lãm, bình luận điện ảnh và sân khấu... Giữa guồng quay của những mối bận tâm thường nhật, “Kết hôn với chính mình” giống như một khoảng lặng nhỏ để người đọc tạm gác lại việc chạy theo tin tức, tranh biện hoặc cố làm cho ra vẻ. Cũng như, tác giả không đặt ra yêu cầu phải đọc từ đầu đến cuối. Chỉ cần một vài trang bất kỳ, bạn cũng có thể bắt gặp đâu đó những câu chữ khiến mình chững lại, như trong “Người dưng cùng họ”, “Về nhì thì không phải thi”, hay “Tượng đài nơi tỉnh thức”.
Điều này cũng được nhà nghiên cứu Trương Nguyên Ngã (Hội An) phân tích, khi cho rằng những câu chuyện đời thường được tác giả diễn giải dưới lăng kính triết học, bằng lối hành văn đơn giản, cụ thể, dễ đọc và dễ tiếp cận nội dung. Theo ông, đây là những bài viết về nhiều đề tài hiện hữu, không ngắn, không dài, kiệm lời mà hiệu quả.
TIỂU YẾN
Nguồn: https://baodanang.vn/tac-gia-xu-quang/202505/song-cham-lai-va-ngam-sau-hon-4006325/
Bình luận (0)