“Chuyện ngày bé” là tập truyện dài đầu tay của nhà văn nữ Nguyễn Minh Anh, vừa được NXB Văn học ấn hành. Tác phẩm với 26 chương, gồm những câu chuyện là hồi ức của nhân vật Chún, người sẽ dắt bạn đọc đi dạo quanh khu nhà tập thể ở Hà Nội, nơi ấy có những ký ức đẹp đẽ của Chún với Khoai, với Nắng, bố mẹ, chú Lương...

Đến với thế giới của “Chuyện ngày bé” là đến với thế giới trẻ thơ đầy tiếng cười hồn nhiên, ngây ngô, trong sáng. Đó là niềm vui và sự khấp khởi của thằng Khoai khi được mẹ mua cho quần áo mới trước ngày khai giảng; là niềm sung sướng của cả đám trẻ của khu tập thể lúc chú Lương cho túi kẹo khủng long; hay đơn giản hơn là sự thích chí vì trốn được việc ngủ trưa, học bài của cái Chún... Sự ngây ngô ấy biểu hiện qua từng điều mà những đứa trẻ lý giải về sự vật, hiện tượng xung quanh nó. Đơn cử như việc giải thích hai chữ “đại gia” của Chún khi cái Nhi thắc mắc về đại gia Lương, nó đã nghĩ rất đơn giản, nhiều tiền thì là đại gia tiền mà nhiều kẹo như chú Lương thì là đại gia kẹo. Để cái Nhi hồn nhiên bảo rằng “Vậy em là đại gia búp bê đúng không?”.
Bên cạnh những niềm vui ngây thơ, giản dị đôi khi lại có những cảm xúc khác cũng rất trẻ con. Chẳng hạn như nỗi lo sợ của Chún về những trận đòn roi của bố mẹ; hoặc là sự bất bình để rồi đứng ra bênh vực bạn, bảo vệ lẽ phải của cậu bé Khoai khi Nắng bị bắt nạt, tổn thương. Hoặc đó là nỗi buồn khi bọn trẻ nhận ra lỗi lầm hay gặp một mất mát to lớn như chuyện cô Thắm ra đi trong một ngày trời xám xịt như sụt sùi đưa tiễn.
Trẻ con vốn dĩ dễ vui, dễ buồn và những cảm xúc ấy sẵn sàng bộc lộ rõ bằng ánh mắt lấp lánh, nụ cười giòn như bánh đa hay những giọt nước mắt... Lột tả hết những cảm xúc ấy của những đứa trẻ, tác giả đã thể hiện được sự phong phú trong thế giới cảm xúc của trẻ và thể hiện được đặc điểm tính cách của những đứa trẻ con.
Bên cạnh những mẩu truyện với nhiều cung bậc cảm xúc mà tác giả nhặt ra từ ký ức của mình, những thông điệp mang tính chất giáo dục trẻ cũng xuất hiện rất nhiều. Đó là bài học về việc bênh vực lẽ phải; là bài học về việc sống yêu thương, chan hòa; hay bài học về việc giữ lời hứa và trách nhiệm...
Đọc tác phẩm, hẳn bạn đọc sẽ bùi ngùi hồi tưởng về một thời bé dại, thấy mình trong những lần trốn ngủ, những lần ngáp ngắn ngáp dài bên bàn học, hay tiếng cười đùa khi chơi trốn tìm, tạt lon...
Tác phẩm của Nguyễn Minh Anh khá giản dị, phù hợp với thiếu nhi và thanh, thiếu niên. Cách kể chuyện tự nhiên, dí dỏm, trong sáng với những câu chuyện rất gần gũi với cuộc sống, tâm lý của trẻ. Giản dị mà lôi cuốn.
Có lẽ “Chuyện ngày bé” vẫn sẽ cần thêm những yếu tố nghệ thuật hơn để chinh phục bạn đọc khó tính, song với nội dung gần gũi, dễ đọc và sự hài hước, tác phẩm đã được các bạn thiếu nhi đón nhận nồng nhiệt. Điều khiến tác phẩm ghi điểm trong lòng tất cả bạn đọc chắc hẳn là sự hồn nhiên, trong sáng. Một người lớn, sao có thể viết những lời văn trong veo như sương mai, hồn nhiên như cây cỏ vậy? Những lời văn ấy đã làm thức dậy ký ức độc giả bằng những cảm xúc chân thành nhất.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/song-lai-tuoi-tho-voi-chuyen-ngay-be-703524.html
Bình luận (0)