Đồng chí Bùi Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
PV: Đồng chí cho biết những thành tựu phát triển VHNT của tỉnh sau 50 năm thống nhất đất nước?
Đồng chí Bùi Xuân Thanh: Kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất cũng đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phú (1975 - 2025) - tiền thân của Hội VHNT Vĩnh Phúc ngày nay. Trong suốt 50 năm qua, VHNT Vĩnh Phúc đã có bước phát triển mạnh mẽ, ghi dấu sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Các tác phẩm, công trình VHNT đã góp phần xây dựng vững chắc nền tảng tinh thần xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
VHNT gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển KT - XH, trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương. Nhiều tác phẩm VHNT mới, có giá trị ra đời, bổ sung vào kho tàng VHNT, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc; đồng thời từng bước hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa, con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, VHNT Vĩnh Phúc đã góp phần tích cực đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; phản ánh sinh động cuộc đấu tranh cách mạng, cũng như thực tiễn sôi động trong lao động sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, cổ vũ, động viên các nhân tố mới, những điển hình tiên tiến; thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực KT - XH của tỉnh. Thực hiện tốt chức năng là diễn đàn VHNT, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; lên án các tệ nạn xã hội; đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta…
PV: Những kết quả nổi bật của Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc?
Đồng chí Bùi Xuân Thanh: Hội VHNT Vĩnh Phúc đã phát triển toàn diện, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức hoạt động; thực hiện tốt chức năng quản lý, tổ chức hoạt động VHNT của tỉnh; thực sự trở thành mái nhà chung, tập hợp hội viên, động viên và tạo mọi điều kiện cho các văn nghệ sĩ sáng tạo, thể hiện trách nhiệm công dân cao cả, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Qua 4 lần xét Giải thưởng VHNT Vĩnh Phúc từ khi tái lập tỉnh đến nay (5 năm/1 lần), Hội VHNT tỉnh đã có 198 lượt tác giả đoạt giải thưởng, trong đó có 18 giải A, 49 giải B, 58 giải C, 73 giải Khuyến khích.
Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm toàn tỉnh có từ 19 - 25 tác phẩm của văn nghệ sĩ đoạt các giải thưởng VHNT tại các kỳ liên hoan, triển lãm, cuộc thi khu vực, toàn quốc, quốc tế. Đặc biệt, có tác giả lập kỷ lục Guinness về số lượng tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế; nhiều loại thể “dài hơi” như tiểu thuyết, trường ca, phim truyện dài tập, hợp xướng, tượng đài… được sáng tác, quảng bá.
Trong số các tác phẩm đoạt giải thưởng, hội đã tập hợp, xuất bản nhiều tuyển tập có hệ thống như: Văn xuôi Vĩnh Phúc, Tiểu thuyết Vĩnh Phúc, Thơ Vĩnh Phúc, Mỹ thuật Vĩnh Phúc, Nhiếp ảnh Vĩnh Phúc, Âm nhạc Vĩnh Phúc, Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại, Tuyển tập các tác phẩm VHNT đoạt giải thưởng…
Bên cạnh đó, Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, truyền tải các tác phẩm VHNT của hội viên, cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, tạo nên bức tranh sinh động trong tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Vĩnh Phúc và phong trào sáng tác VHNT của tỉnh đến với cả nước.
Đồng chí Bùi Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà Hương
PV: Đất nước đã bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hội VHNT tỉnh có những định hướng gì để tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh của VHNT, tạo nền tảng tinh thần, động lực cho sự phát triển bền vững?
Đồng chí Bùi Xuân Thanh: VHNT không chỉ đơn thuần là hoạt động sáng tạo thẩm mỹ, tham gia xây dựng hệ giá trị văn hóa mới mà còn là một lực lượng tinh thần to lớn, có vai trò dẫn dắt, định hướng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước và con người Việt Nam. Trong bối cảnh “Kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc, VHNT mang sứ mệnh vô cùng quan trọng và sâu sắc, đó là việc truyền cảm hứng, khát vọng vươn lên trong mỗi con người.
Từ sự kỳ vọng lớn lao về phát triển VHNT theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vấn đề quan trọng là khơi thông dòng chảy sáng tạo và định hướng giá trị thẩm mỹ bằng những việc làm cụ thể.
Hội VHNT tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức hội, tăng cường đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ; bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, chuyên môn và ý thức trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm chất lượng cao, có giá trị tốt về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực đời sống xã hội, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, giá trị nhân văn, giàu bản sắc dân tộc.
Đồng thời tranh thủ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ sáng tạo phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh…
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Lê Mơ (t/h)
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126779/Su-menh-cua-van-hoc-nghe-thuat-trong-ky-nguyen-moi
Bình luận (0)