
PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết như trên, thêm rằng sữa là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng phổ biến, cần thiết cho nhóm có nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người ốm, người bệnh mạn tính và phụ nữ mang thai.
Về mặt hàm lượng, sữa kém chất lượng, sữa giả không bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất đúng như thành phần ghi trên vỏ hộp sữa. Theo bác sĩ Hưng, sử dụng lâu dài nguy cơ cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển đối với trẻ nhỏ. Với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu hoặc sống phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Sữa dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và chất phụ gia không được kiểm soát gây nhiều rủi ro cho người dùng như dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa. Về lâu dài, cơ thể tích lũy kim loại nặng, chất độc, ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh, nhất là ở trẻ em.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam, nói: "Người tiêu dùng lầm tưởng về hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì sữa giả nên không bổ sung từ các nguồn thực phẩm khác". Còn với phụ nữ mang thai, theo bác sĩ Nguyễn Thu Yên, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, sử dụng sữa giả có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi.
Thiếu hụt dinh dưỡng có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, chuột rút, đau mỏi cơ, tê bì chân tay, suy nhược. Nguy cơ rõ rệt hơn với bà bầu ở 3 tháng đầu thai kỳ, là giai đoạn nôn nghén nhiều, ăn kém.
Các thành phần không phù hợp hoặc nhiễm khuẩn trong sữa giả có thể khiến thai phụ bị rối loạn tiêu hóa và giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, thậm chí dị ứng, ngộ độc, bác sĩ Yên giải thích. Chất phụ gia độc hại, kim loại nặng, chất tạo màu hoặc chất bảo quản trong sữa vượt mức cho phép nguy cơ dẫn đến biến chứng thai kỳ.
Thai nhi cần các dưỡng chất thiết yếu như protein, canxi, sắt, kẽm, vitamin D, DHA cần thiết được cung cấp từ cơ thể mẹ để phát triển toàn diện, đặc biệt là não bộ và hệ xương. Do đó, thai phụ uống sữa giả thiếu hụt dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Tuy vậy, các chuyên gia nhìn nhận rất khó để xác định sữa thật, sữa giả bằng mắt thường. Người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin trên bao bì, vỏ hộp như tên sản phẩm, tên công ty và địa chỉ, số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất; đơn vị nhập khẩu và phân phối; hạn sử dụng; bảng thành phần dinh dưỡng của sản phẩm. Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Không mua, sử dụng các sản phẩm sữa nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét; có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp sữa bị móp méo, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.
Ưu tiên mua những nhãn hiệu sữa đã được kiểm định và cấp phép, uy tín, thương hiệu lâu năm. Cần cẩn trọng với các sản phẩm sữa xách tay, hàng không có nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, người nhà cần theo dõi phản ứng của trẻ khi uống sữa. Nếu trẻ biểu hiện tiêu chảy, nôn trớ, không tăng cân hay sụt cân, lập tức ngưng uống loại sữa đang dùng và đưa đi khám.
Bộ Công an khởi tố Hoàng Mạnh Hà, Vũ Mạnh Cường, Đặng Trung Kiên (Giám đốc, Phó giám đốc, cổ đông góp vốn của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group) cùng 4 đồng phạm về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cơ quan điều tra, từ tháng 8/2021, Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường cùng góp vốn lập công ty Rance Pharma và Hacofood, sau đó điều hành mọi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai.
T.H (theo VnExpress)Nguồn: https://baohaiduong.vn/sua-gia-gay-hai-suc-khoe-the-nao-409485.html
Bình luận (0)