Những người trẻ đã góp phần lan tỏa văn hóa truyền thống đến cộng đồng |
Sôi nổi và đam mê
Một buổi chiều giữa tháng 3, tại thị trấn A Lưới, tiếng cồng chiêng hòa quyện cùng điệu múa uyển chuyển của các chàng trai, cô gái trẻ vang lên trong sân nhà văn hóa. Hồ Văn Trăng, chàng trai Pa Cô 24 tuổi, say mê tập luyện cùng các thành viên CLB Nghệ thuật Arel Linh để chuẩn bị cho Ngày hội “Sắc xuân vùng cao A Lưới”. “Em gắn bó với CLB này từ những ngày đầu thành lập, đến nay tròn hai năm. Đây là nơi em có thể thỏa niềm đam mê với âm nhạc, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau giới thiệu văn hóa dân tộc đến với bạn bè khắp nơi”, Trăng chia sẻ. Mỗi buổi biểu diễn, Trăng nhận được từ 120.000 đến 150.000 đồng, nhưng với Trăng, được sống với niềm đam mê mới là điều quan trọng nhất.
CLB Nghệ thuật Arel Linh được thành lập vào tháng 6/2022, ban đầu chỉ 10 thành viên. Sau hai năm hoạt động, đến nay, CLB đã có hơn 20 thành viên chính thức và hàng chục bạn trẻ tham gia không thường xuyên từ các thôn, bản trong huyện. Chị A Rel Thùy Linh, Chủ nhiệm CLB cho biết, phần lớn thành viên là thanh niên dân tộc Pa Cô, Tà Ôi và Cơ Tu. Ngoài tham gia các hội thi, lễ hội lớn, nhóm còn nhận biểu diễn tại các cơ quan, nhà hàng, homestay và điểm du lịch cộng đồng. Dù thu nhập không ổn định, nhưng vào mùa cao điểm, đặc biệt vào dịp hè và cuối năm, các thành viên có thêm thu nhập khá.
Đầu năm 2024, xã Trung Sơn cũng cho ra mắt CLB Văn nghệ dân gian với 20 thành viên. Ban đầu, nhóm chỉ luyện tập biểu diễn để phục vụ các sự kiện tại địa phương. Nhưng khi lượng du khách đến A Lưới tăng lên, nhu cầu thưởng thức và trải nghiệm âm nhạc dân gian cũng theo đó mà nở rộ. Chị Hồ Thị Lêu, Chủ nhiệm CLB kể: “Trước đây khó huy động người tham gia vì không có sân chơi cố định. Từ khi có CLB, có nơi sinh hoạt chung, có thu nhập thêm, lại còn góp phần giữ gìn bản sắc cha ông nên các thành viên rất hồ hởi tham gia”. CLB văn nghệ dân gian xã Trung Sơn còn dành thời gian sưu tầm các làn điệu cổ, phục dựng nhạc cụ truyền thống đang dần bị quên lãng, như đàn đinh pút, khèn bè, trống chày...
Nền tảng văn hóa từ cơ sở
Theo Nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện A Lưới, phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở được huyện quan tâm, với nhiều chương trình hỗ trợ truyền dạy và phục dựng lễ hội truyền thống. “Cuối tháng 3, huyện tổ chức thành công chương trình Ngày hội “Sắc xuân vùng cao A Lưới” với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó tái hiện nhiều lễ hội tiêu biểu của các dân tộc bản địa. Chúng tôi mời những câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ tại địa phương biểu diễn. Các bạn trẻ rất nhiệt tình và tâm huyết”, bà Tư chia sẻ.
Hiện nay, toàn huyện A Lưới đều có các đội văn nghệ cộng đồng tại tất cả các thôn, bản. Bên cạnh đó, có ít nhất 3 CLB do giới trẻ sáng lập và vận hành hiệu quả. Các câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ do giới trẻ sáng lập đang góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc, đồng thời mở ra hướng phát triển du lịch cộng đồng. “Huyện đang đề xuất đưa các CLB này vào mô hình "văn hóa cộng đồng gắn với du lịch bền vững". Thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ tổ chức tập huấn, trang thiết bị, mở rộng không gian biểu diễn tại các điểm du lịch để các bạn trẻ vừa giữ gìn văn hóa, vừa nâng cao thu nhập”, bà Tư cho biết.
Sự linh hoạt, nhạy bén của người trẻ đã mở ra hướng đi mới cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần làm giàu sản phẩm du lịch cho A Lưới. Dù là hình thức nào, mục tiêu cuối cùng là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và tạo cơ hội phát triển sinh kế bền vững cho thanh niên vùng cao.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/suc-tre-giu-lua-van-hoa-vung-cao-152837.html
Bình luận (0)