Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng ở nước ta hiện nay

TCCS - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được, nhiều nguy cơ, thách thức đối với vấn đề an ninh quốc gia trên không gian mạng được đặt ra. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc tận dụng những cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh quốc gia trên không gian mạng, góp phần đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản17/04/2025


Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề an ninh trên không gian mạng 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử, với nhiều tiến bộ khoa học - công nghệ phổ biến... Theo đó, “trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực”(1). Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra thời đại mới, vượt qua phạm vi của công nghệ thông tin và điện tử, được thúc đẩy bởi các hệ thống tích hợp cả dữ liệu kỹ thuật số và dữ liệu tương tự trên môi trường tính toán và vật lý; thay đổi ngành công nghiệp theo một số cách thức chính: dữ liệu tương tự lớn (big analog data), thiết bị kích thước nhỏ hơn, nhưng hiệu suất cao hơn, cho phép các nhóm chuyên gia thiết kế nhỏ hơn, không còn khoảng cách địa lý và việc giáo dục dễ dàng hơn(2).

Quy mô, tốc độ phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống, nhất là lĩnh vực kinh tế. Xét về góc độ quy mô, tốc độ lan truyền của công nghệ hiện đại ngày càng nhanh chóng hơn. Đơn cử như đối với điện thoại cần đến 75 năm, điện cần 46 năm, ti-vi cần 22 năm, mạng internet chỉ cần 7 năm; các phương tiện truyền thông xã hội khác như Facebook cần 4 năm, đặc biệt nền tảng xã hội WeChat chỉ cần 1 năm, Pokemon Go cần có 19 ngày… để đạt ngưỡng 50 triệu người sử dụng (Xem hình 1). Đối với các nền tảng khác như TikTok chỉ cần 9 tháng và ChatGPT là 2 tháng để đạt ngưỡng 100 triệu người dùng(3). Xét về góc độ kinh tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động lớn đến tiêu dùng, sản xuất, năng suất và giá cả... Một ví dụ điển hình là thị trường công nghệ in 3D đã gia tăng nhanh chóng về giá trị, từ mức chỉ khoảng 3 tỷ USD năm 2012, đạt mức 20,67 tỷ USD năm 2023; dự kiến đạt 98,31 tỷ USD vào năm 2032(4).

Hình 1: Thời gian để đạt được 50 triệu người sử dụng                                   
(Nguồn: https://www.su.org/resources/exponential-technology-trends-that-will-define-2019)

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi căn bản thói quen con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Tiến bộ khoa học - công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra những biến đổi sâu sắc đối với đời sống xã hội, năng suất lao động, cơ cấu nghề nghiệp, sự chuyển đổi của hệ thống sản xuất, kinh doanh...(5). Không gian mạng trở thành “môi trường thứ năm”, với sự ra đời của chiến tranh mạng, tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh của mọi quốc gia(6). Lúc này, nội hàm của khái niệm “an ninh quốc gia” được mở rộng, không chỉ còn giới hạn ở trên đất liền mà còn được hiểu là những vấn đề an ninh trên nhiều lĩnh vực, nhất là an ninh trên không gian mạng. Công nghệ thông tin hiện đại một mặt đem lại những thành tựu tiến bộ đối với đời sống kinh tế - xã hội, mặt khác tạo ra nhiều thách thức lớn đối với việc bảo đảm an ninh quốc gia, đặc biệt là vấn đề tội phạm công nghệ cao, an ninh thông tin, an ninh mạng. Điển hình là sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) thời gian qua đem lại những thay đổi to lớn đối với đời sống kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra nhiều thách thức, bao gồm sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng thông qua AI. “Các cuộc tấn công mạng thông qua AI gia tăng, gây hậu quả tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Theo thống kê, năm 2023, thế giới ước tính thiệt hại tới 8.000 tỷ USD bởi các cuộc tấn công mạng (tương đương gần 21 tỷ USD mỗi ngày). Con số đó tăng lên 9.500 nghìn tỷ USD vào năm 2024”(7). Các đối tượng khủng bố lợi dụng tiến bộ của công nghệ AI để thực hiện các mục đích xấu, như gửi email độc hại, phát tán thông tin sai lệch, thu hút người ủng hộ, lên kế hoạch tấn công khủng bố; hay việc các đối tượng lợi dụng công nghệ tạo các sản phẩm công nghệ giả (deepfake) để tạo ra ảnh khỏa thân giả nhằm vào phụ nữ và trẻ em tại Mỹ, Hàn Quốc…(8)

Thực tiễn cho thấy, không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin đang là công cụ để các thế lực thù địch, tội phạm lợi dụng(9). Số lượng các vụ tấn công mạng diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi các chính phủ và doanh nghiệp phải chuyển sang trạng thái làm việc từ xa. Các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại tăng từng năm(10). Số vụ tấn công mạng năm 2023 là 2.365 vụ với hơn 343 triệu nạn nhân. Trong các vụ tấn công bằng phần mềm độc hại, tấn công qua email là dạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 35% số vụ tấn công(11).

Tại Việt Nam, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian qua diễn biến ngày càng phức tạp. Không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để thực hiện nhiều mưu đồ thâm độc. Trong gần 10 năm qua, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã, đang sử dụng 8.784 web, blog có tên miền nước ngoài; 381 web, blog có tên miền trong nước thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam; đã phát hiện 279 vụ sử dụng internet xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với hơn 200 đối tượng; xử lý 140 đối tượng. Đáng chú ý, trong đó có 219 vụ kích động biểu tình trên không gian mạng; 138 hội, nhóm trá hình hoạt động trên không gian mạng; 45.498 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có tên miền “.vn” bị tấn công, trong đó có 2.113 lượt tấn công các cổng thông tin, trang tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước, gây ra những hậu quả nghiêm trọng(12)

Các cuộc tấn công mạng, lừa đảo qua không gian mạng xuất hiện ngày càng nhiều, với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Theo một báo cáo gần đây của Microsoft, tỷ lệ tấn công nhằm vào Việt Nam sử dụng phần mềm độc hại ransomware cao nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, là một trong ba quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của các cuộc tấn công phần mềm độc hại (sau Indonesia và Sri Lanka) và đứng thứ sáu trên thế giới về số lượt tải mã độc không chủ ý(13). Khủng bố mạng nổi lên như một thách thức đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, với thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hóa, xã hội… Đáng lo ngại, tình trạng lây nhiễm virus và xuất hiện phần mềm gián điệp gây nguy cơ mất an ninh, an toàn hệ thống thông tin mạng. Ở nước ta hiện nay có khoảng 26 hình thức lừa đảo trên không gian mạng đang diễn ra thường xuyên. Trong đó 72,6% là lừa đảo trực tiếp vào tài chính, còn 26,4% là các dạng lừa đảo trực tuyến, 1% dạng khác(14).

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng mạng internet và các thiết bị kết nối công nghệ IoT dẫn đến các nguy cơ lộ, lọt bí mật nhà nước và các thông tin cá nhân, quyền riêng tư. Các đối tượng xấu lợi dụng các kẽ hở trong bảo mật thông tin, bảo mật tài liệu để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm đánh cắp thông tin, can thiệp vào hoạt động chính trị - xã hội hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Một số giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng ở nước ta trong bối cảnh mới 

Trước những tác động nhiều mặt của khoa học - công nghệ, các quốc gia đều phải tư duy lại cách thức quản trị theo hướng tận dụng mặt tích cực để phát triển, tăng tính cạnh tranh quốc gia, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Trên thực tế, các quốc gia đều tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào công tác quản trị quốc gia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời chủ động ngăn chặn, phòng ngừa và bảo đảm an ninh, an toàn mạng. 

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác chuyển đổi số, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu giúp đất nước tận dụng được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, mau chóng tiến kịp với các nước phát triển trên thế giới. Trong quá trình tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, Đảng ta thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện, đó là: “Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp”(15), “tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm…; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc…; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức”(16). Trước yêu cầu phải có cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển, Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” đề ra những mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giúp đổi mới cách nghĩ, cách làm, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Nghị quyết số 57-NQ/TW nhấn mạnh: “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên nền tảng số và không gian mạng; an ninh, an toàn dữ liệu hợp pháp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và chủ quyền an ninh dữ liệu quốc gia”(17), coi đó là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Khối Lực lượng tác chiến Không gian mạng Quân khu 5 tích cực luyện tập cho Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước_Ảnh: baoquankhu5.vn

Để tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, cũng như tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số, cần chú ý một số giải pháp sau: 

Một là, chủ động quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, phát triển khoa học - công nghệ, nhất là những mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về những tác động và những vấn đề đặt ra mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, đặc biệt là tác động đối với vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, bảo đảm khả năng làm chủ các thành tựu khoa học - công nghệ; nắm bắt và chủ động phòng, chống lại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm khác trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, bảo vệ an toàn, an ninh quốc gia trên không gian mạng. 

Ba là, tận dụng tối đa những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong triển khai, sắp xếp tổ chức bộ máy lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh quốc gia bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Phát huy tối đa lợi thế của mạng internet và các phương tiện truyền thông nhằm cung cấp, cập nhật thường xuyên các thông tin, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, đấu tranh chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên không gian mạng.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường hợp tác với các quốc gia tiên tiến, các tổ chức quốc tế nhằm tranh thủ tối đa mọi nguồn lực để phát triển khoa học, chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang thật sự trong sách, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có nền công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng, hiện đại; có hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia bảo đảm… Kiện toàn, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chuyên trách bảo đảm an ninh quốc gia, đáp ứng các yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ, ứng dụng khoa học - công nghệ. Xác định rõ trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trên thế giới, việc đẩy mạnh chuyển đổi số phải gắn liền với bảo đảm an ninh để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới./.

----------------------

(1) GS, TS Tô Lâm: Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 2-9-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/chuyen-doi-so-dong-luc-quan-trong-phat-trien-luc-luong-san-xuat-hoan-thien-quan-he-san-xuat-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi
(2) Xem: Chris Wiltz: “5 Ways Cyber-Physical Systems are Transforming Manufacturing”, ngày 14-2-2014, https://www.mddionline.com/equipment/5-ways-cyber-physical-systems-are-transforming-manufacturing
(3) Xem: Dan Milmo and Agency, “ChatGPT reaches 100 million users two months after launch”, ngày 2-2-2023, https://www.theguardian.com/technology/2023/feb/02/chatgpt-100-million-users-open-ai-fastest-growing-app
(4) Xem: https://www.precedenceresearch.com/3d-printing-market#:~:text=The%20global%203D%20printing%20market,forecast%20period%202023%20to%202032
(5) Xem: Klaus Schwab, “The forth industrial revolution: what it means, how to respond”, ngày 14-1-2016, https://www.weforum.org/stories/2016/01/the-fourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond/
(6) Xem: Adib Farhadi, Ronald P. Sanders, and Anthony Masys, eds. The Great Power Competition Volume 3: Cyberspace: The Fifth Domain, Springer Nature, 2022
(7) Xem: Hải Anh: Tấn công mạng thông qua AI gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng, Thời báo Tài chính Việt Nam, ngày 31-5-2024, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tan-cong-mang-thong-qua-ai-gay-ton-that-kinh-te-nghiem-trong-151964
(8) Xem: Phan Anh: Giới chuyên gia lo ngại khủng bố lợi dụng trí tuệ nhân tạo, Báo Tin tức, ngày 1-9-2024, https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/gioi-chuyen-gia-lo-ngai-khung-bo-loi-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-20240901203018287.htm
(9) Xem: Nguyễn Văn Thành: Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng - những yêu cầu đảm bảo các chỉ số an ninh - an toàn trong bối cảnh hiện nay, Trang Thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương, ngày 9-12-2021, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/chu-quyen-quoc-gia-tren-khong-gian-mang---nhung-yeu-cau-dam-bao-cac-chi-so-an-ninh---an-toan-trong-boi-canh-hien-nay.html
(10) Xem: Charles Griffths: “The latest 2023 cyber crime statistics (updated April 2023)”, https://aag-it.com/the-latest-cyber-crime-statistics/#:~:text=Cyber%20Crime%20Overview,increased%20358%25%20compared%20to%202019
(11) Xem: Mariah St. John: “Cybersecurity Stats: Facts and Figures You should Know”, cập nhật ngày 28-8-2024, https://www.forbes.com/advisor/education/it-and-tech/cybersecurity-statistics/
(12) Xem: Mai Chi: Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Báo Nhân dân điện tử, ngày 22-11-2022, https://nhandan.vn/bao-ve-chu-quyen-quoc-gia-tren-khong-gian-mang-post726127.html   
(13) Xem Microsoft Security Endpoint Threat Report 2019, https://news.microsoft.com/wp-content/uploads/prod/sites/43/2020/06/APAC-Threat-Landscape_Infographic.pdf
(14) Xem Ngân Hà, “26 dạng lừa đảo thường xuyên trên không gian mạng: Hơn 72% về tài chính”, ngày 31-5-2024, https://doanhnghiepvn.vn/phap-luat/26-dang-lua-dao-thuong-xuyen-tren-khong-gian-mang-hon-72-ve-tai-chinh/20240531015253579
(15) Xem: Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-52-nqtw-ngay-2792019-cua-bo-chinh-tri-ve-mot-so-chu-truong-chinh-sach-chu-dong-tham-gia-cuoc-cach-mang-cong-5715
(16), (17) Xem: Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-57-nqtw-ngay-22122024-cua-bo-chinh-tri-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-11162

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/1076002/tac-dong-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-doi-voi-van-de-bao-dam-an-ninh-quoc-gia-tren-khong-gian-mang-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm