
Đầu tư hạ tầng số
Tháng 1/2025, UBND TP.Tam Kỳ khánh thành hai thư viện số tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trường THCS Lý Thường Kiệt và phòng học STEM tại Trường THCS Lý Tự Trọng. Cả 3 công trình phục vụ cho công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục thành phố với kinh phí 11,5 tỷ đồng.

Riêng phòng học STEM tại Trường THCS Lý Tự Trọng được trang bị các bộ STEM thuộc nhiều lĩnh vực: Khoa học và đo lường, vật lý, vật lý cơ và điện tử, kiến trúc và xây dựng, robot tự động, robot thông minh, trí tuệ nhân tạo AI, STEM coding và phần mềm. Máy công cụ đa năng, máy cắt CNC, máy in 3D, bộ dụng cụ cơ khí thực hành. Các phần mềm quản lý lớp học dành cho giáo viên, phần mềm học tập dành cho học sinh, các tính năng quản lý học tập để theo dõi tiến độ của học sinh, đánh giá và quản lý lớp họ; thư viện sách STEM để học sinh và giáo viên có thể tự học và nghiên cứu.
[VIDEO] - Em Phạm Châu Tú Uyên chia sẻ:
Em Phạm Châu Tú Uyên, lớp 9/5 Trường THCS Lý Tự Trọng chia sẻ: “Đa số thời gian trên lớp chúng em được học tập chủ yếu về lý thuyết nhưng với sự xuất hiện của phòng học STEM này thì chúng em có cơ hội được thực hành những kiến thức đã học trên các thiết bị điện tử và robot. Qua đó giúp cho chúng em có thể tiếp thu bài học một cách hiệu quả".

Cô Trịnh Thị Hải Lý - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: “Khi được học tập ở phòng học STEM này các bạn học sinh rất phấn khởi vì có cơ hội được tiếp cận với công nghệ thông tin và đặc biệt là các robot, điều này đã khơi dậy sự tò mò, khám phá của các em. Đối với các giáo viên khi được giao nhiệm vụ giảng dạy tại phòng học STEM thì phải luôn tìm tòi, trau dồi kiến thức và tiếp cận với công nghệ mới để truyền đạt, khơi gợi được niềm đam mê, khám phá trong các em để tạo ra những sản phẩm STEM chất lượng phục vụ cho việc học và ứng dụng vào thực tiễn”.
[VIDEO] - Một tiết học tại phòng học STEM của học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng:
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục
Bên cạnh phòng học STEM của Trường THCS Lý Tự Trọng thì thư viện số Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và Trường THCS Lý Thường Kiệt được trang bị hạ tầng công nghệ như máy in thẻ thành viên thư viện, máy in barcode để quản lý tài liệu, máy quét mã vạch quản lý mượn trả tài liệu, cổng check-in bạn đọc, phần mềm quản lý thư viện, trang bị 20 máy tính kết nối internet; các loại sách số, sách nói, sách in 3D, sách in truyền thống với hơn 3.000 đầu sách. Kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay các thư viện số này đã thu hút đông đảo học sinh đến tra cứu, đọc sách và học tập nhóm. Qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần sáng tạo, chủ động học tập cho học sinh. Đồng thời, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Cô Nguyễn Thị Phúc Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: “Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong các em học sinh, hằng tuần nhà trường đều tổ chức 1 tiết đọc sách tại thư viện số. Cạnh đó, vào các giờ ra chơi thì cán bộ thư viện còn hướng dẫn cho các em vào đọc sách tại thư viện và các phần mềm trực tuyến. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa để thu hút học sinh đến với thư viện số ngày càng đông hơn”

Theo định hướng của TP.Tam Kỳ, địa phương sẽ hướng đến phát triển giáo dục số toàn diện gắn với việc xây dựng môi trường học tập chủ động, sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc, tạo điều kiện tất cả thầy cô giáo, học sinh được tiếp cận các phương pháp, công nghệ mới trong giáo dục. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng thư viện số và phòng học STEM sẽ được thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ tại các trường trong thời gian tới.
[VIDEO] - Cô Nguyễn Thị Phúc Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản:
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tam-ky-manh-me-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-3152449.html
Bình luận (0)