Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng đang kiểm tra trang thiết bị. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Bán đảo Sơn Trà được ví như “lá phổi xanh” của quận Sơn Trà nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung. Với vai trò quan trọng đó, thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm.
Theo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, trên địa bàn quận có hai lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, bao gồm: Đội tuần tra liên ngành gồm cán bộ kiểm lâm, công an, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng chính quyền địa phương; Tổ phản ứng nhanh do Chi cục Kiểm lâm thành lập. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm liên quận đang quản lý 6/8 nhóm dịch vụ môi trường rừng với tổng cộng 46 thành viên. Đây là lực lượng này thường xuyên phối hợp tuần tra, trực chiến cùng Tổ phản ứng nhanh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố cháy rừng, đặc biệt trong mùa cao điểm nắng nóng.
Ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận chưa xảy ra vụ phát lửa nào. Đơn vị chủ động phát dọn các tuyến đường, tập trung duy tu, bảo dưỡng các công trình, thiết bị phòng cháy chữa cháy. Từ tháng 3 đến nay, hạt triển khai công tác tuyên truyền lưu động về việc phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu dân cư, các trục đường tập trung đông du khách. Đồng thời, yêu cầu người dân, du khách đến tham quan bán đảo Sơn Trà không cắm trại, sử dụng lửa để nướng thức ăn tại một số khu vực tại bán đảo.
“Việc giữ gìn nơi đây không thể chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng, mà cần sự đồng lòng của mỗi người dân và du khách. Mỗi hành vi có ý thức hôm nay của người dân chính là cách để chúng ta gìn giữ Sơn Trà cho mai sau”, ông Chinh chia sẻ.
Không chỉ riêng bán đảo Sơn Trà, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa cũng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học tại Đà Nẵng. Với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 26.758ha, đây là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, nguồn gen bản địa và cây dược liệu có giá trị cao. Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ then chốt, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tại lâm phận quản lý.
Theo ông Nguyễn Thành Tân, Giám đốc Ban Quản lý, đơn vị khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, nhất là những vùng giáp ranh với rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Cùng với đó, việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, đảm bảo lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy luôn trong trạng thái sẵn sàng. Các Tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư sống gần rừng cũng được triển khai bằng nhiều hình thức linh hoạt. Ngoài ra, các phương án xử lý tình huống khi có cháy xảy ra cũng đã được xây dựng cụ thể, sát với thực tế địa hình.
Dự kiến ngày 22-5, Ban Quản lý sẽ tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa năm 2025. Đây là hoạt động thường niên mang tính thực tiễn cao, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; cơ sở đánh giá khả năng chỉ đạo, chỉ huy, điều hành và năng lực tổ chức chữa cháy của các lực lượng tại chỗ; kiểm tra mức độ sẵn sàng và hiệu quả sử dụng trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy hiện có; đồng thời, tăng cường sự phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng chức năng khi xảy ra sự cố cháy rừng trên diện rộng. Việc triển khai phương châm “4 tại chỗ” tiếp tục được xem là giải pháp cốt lõi nhằm ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu có tình huống cháy xảy ra trên lâm phận được bảo vệ.
VĂN HOÀNG
Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202505/tang-cuong-phong-chay-chua-chay-rung-mua-cao-diem-4006447/
Bình luận (0)