Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường quản lý, phát huy giá trị di tích khởi nghĩa Bà Triệu

VHO - Ngày 7.7, tại xã Tân Ninh, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử tâm linh đặc biệt của vùng đất linh thiêng nơi phát tích cuộc khởi nghĩa hào hùng do Bà Triệu lãnh đạo.

Báo Văn HóaBáo Văn Hóa07/07/2025

 Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu bao gồm cụm núi Nưa – đền Nưa – Am Tiên, trải rộng trên địa bàn các xã Tân Ninh, Trung Chính, Mậu Lâm của tỉnh Thanh Hoá. 

Đây là một trong những quần thể di tích tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa, có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, văn hóa và tâm linh, gắn bó lâu đời với đời sống tinh thần của người dân địa phương.

Tăng cường quản lý, phát huy giá trị di tích khởi nghĩa Bà Triệu - ảnh 1
Cổng Nghinh môn - đền Nưa thuộc Di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu

Tại buổi lễ, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã công bố Quyết định về việc thành lập Ban Quản lý Di tích, do ông Nguyễn Xuân Toán, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa làm Trưởng ban.

Việc thành lập Ban Quản lý Di tích nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kết luận số 3926-KL/TU ngày 3.7.2025, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý di tích, khắc phục những tồn tại, vi phạm kéo dài trong thời gian qua.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá nhấn mạnh, Ban Quản lý Di tích cần khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích.

Việc phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả trong quản lý là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn những hành vi xâm hại di tích, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho việc phát huy giá trị di sản một cách bền vững và phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó, Ban Quản lý cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã có di tích đi qua, tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất trong khu vực di tích, đặc biệt là các diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, các công trình xây dựng không phép, sai phép…

Từ đó, xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm các vi phạm đang tồn tại, bảo vệ yếu tố gốc và không gian văn hóa – tâm linh đặc thù của di tích.

Một nhiệm vụ quan trọng không kém là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích.

Chính quyền và nhân dân các xã liên quan cần chủ động phối hợp với Ban Quản lý trong công tác giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoặc đề xuất cơ quan chức năng xử lý các hành vi xâm hại, chiếm đoạt hoặc lợi dụng di sản văn hóa vì mục đích cá nhân, làm sai lệch giá trị linh thiêng của di tích.

Theo sử sách, vào năm 248, sau khi phất cờ khởi nghĩa tại núi Quân Yên thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định (nay là xã Định Tân, tỉnh Thanh Hoá) Bà Triệu cùng nghĩa quân đã tiến về khu vực núi Nưa để xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống giặc Ngô.

Nơi đây không chỉ là căn cứ địa cách mạng mà còn là biểu tượng của ý chí quật cường, khát vọng độc lập, tự do và lòng yêu nước sâu sắc của dân tộc Việt Nam dưới thời Bắc thuộc.

Đến nay, trên đỉnh ngàn Nưa linh thiêng, vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích và truyền thuyết về Bà Triệu cùng cuộc khởi nghĩa lẫy lừng do bà lãnh đạo. Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 27.3.2009, Bộ VHTTDL đã xếp hạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu là di tích cấp quốc gia.

Việc thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu không chỉ là hành động cụ thể nhằm bảo vệ, gìn giữ, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị trong việc phát huy giá trị của di sản một cách toàn diện, đúng với tầm vóc và ý nghĩa của một trong những biểu tượng văn hóa, lịch sử lớn nhất của xứ Thanh.

Trong bối cảnh Thanh Hóa đang nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, việc đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích Bà Triệu còn mang ý nghĩa chiến lược, góp phần phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương, đồng thời lan tỏa những giá trị truyền thống, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc tới thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/tang-cuong-quan-ly-phat-huy-gia-tri-di-tich-khoi-nghia-ba-trieu-150078.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm