Phiên đối thoại do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, quy tụ hơn 300 đại biểu là các quan chức cao cấp, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, doanh nghiệp tham dự.
Tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cao vai trò thiết yếu của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư quốc tế trong hành trình chuyển đổi xanh, hướng tới tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong việc tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài.
"Việt Nam đang thực hiện công cuộc cải cách hành chính sâu rộng, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản các đầu mối, hướng đến một chính phủ hiệu quả. Việc này sẽ tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, giảm bớt rào cản cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam", Thủ tướng chia sẻ.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý đến mô hình hợp tác công - tư (PPP) đóng vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ trong quá trình chuyển đổi xanh mà còn trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Phiên đối thoại do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, quy tụ hơn 300 đại biểu là các quan chức cao cấp, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, doanh nghiệp tham dự
Theo Thủ tướng, phần vốn có thể đến từ khu vực công, tức là đầu tư của Nhà nước nhưng việc vận hành, quản lý dự án hoàn toàn có thể giao cho khu vực tư nhân - nơi có kinh nghiệm, năng lực quản trị linh hoạt và hiệu quả hơn. Sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng, giúp triển khai các dự án nhanh hơn, tiết kiệm hơn và mang lại giá trị thực chất hơn cho nền kinh tế và người dân.
Về vấn đề này, bà Amina Mohammed, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, cho rằng, trong mối quan hệ đối tác này, khu vực công giữ vai trò kiến tạo, xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách tài khóa phù hợp, cung cấp các công cụ tài chính cũng như bảo đảm lợi ích công cộng và khả năng triển khai các dự án quy mô lớn. Còn khu vực tư nhân có khả năng huy động vốn, công nghệ hiện đại và tinh thần đổi mới sáng tạo. Việc phối hợp hai khu vực này sẽ dung hòa giữa mục tiêu lợi nhuận với các ràng buộc về môi trường, xã hội và phát triển, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển kinh tế tuần hoàn, phục hồi thiên nhiên và chuyển đổi số bao trùm.
"Để đối tác công - tư phát huy hiệu quả, cần thúc đẩy các dự án có tính thanh khoản cao, hấp dẫn các dòng vốn đầu tư, phát triển năng lực địa phương và mang lại lợi ích hài hòa cho tất cả các bên tham gia", bà Amina Mohammed nhấn mạnh.
Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Thủ tướng Italy, ông Francesco Corvaro, chia sẻ, tại Italy, chính phủ đã đóng vai trò tiên phong trong việc dẫn dắt đầu tư, từ đó thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo và công nghệ xanh bền vững, phát triển hệ thống giao thông công cộng... Theo ông, mô hình này không chỉ phát huy hiệu quả tại những quốc gia phát triển như Italy, mà còn đặc biệt phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
"Chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn lực rất lớn, có thể lên đến hàng trăm triệu USD, trong khi nguồn lực công là có hạn. Do đó, việc xây dựng các chính sách công thuận lợi sẽ là chìa khóa để thu hút khu vực tư nhân cùng tham gia vào hành trình này," ông Corvaro nhấn mạnh.
Sau 4 ngày làm việc (từ 14-17/4), với hơn 20 phiên thảo luận sâu sắc và thực chất, Hội nghị P4G lần thứ tư năm 2025 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Bà Robyn McGuckin, Chủ tịch điều hành P4G, thông báo tiếp tục hỗ trợ thêm 4,7 triệu USD cho 17 doanh nghiệp khởi nghiệp và tái khẳng định cam kết của Chính phủ Hàn Quốc đóng góp 1,8 triệu USD cho P4G.
Tại Hội nghị, các quốc gia và tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều cam kết hỗ trơ, đóng góp vào các mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững: Hàn Quốc cam kết hỗ trợ tài chính cho P4G trong giai đoạn tới; UAE sẽ hỗ trợ 50 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo tại 70 quốc gia; Nhật Bản hỗ trợ nhiều dự án cho 25 quốc gia thông qua cơ chế chia sẻ tín dụng, đóng góp vào mục tiêu giảm carbon toàn cầu. Các nước cũng đưa ra các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính, trung hoà carbon thông qua mức đóng góp quốc gia tự nguyện.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/tang-truong-xanh-can-su-phoi-hop-giua-nguon-luc-cong-tu-20250417210640218.htm
Bình luận (0)