Xây dựng nguồn nhân lực vững mạnh
Trước hết, sự chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng hiệu lực cho công tác PBGDPL. Bởi vậy, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh với 42 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch đã duy trì hoạt động ổn định, nền nếp và liên tục kiện toàn.
Sở Tư pháp cùng Phòng Tư pháp các địa phương phát huy hiệu quả vai trò cơ quan thường trực, tham mưu kịp thời và điều phối linh hoạt 7 nhóm nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, 13 Hội đồng cấp huyện với trung bình 30 thành viên mỗi nơi đã đồng hành cùng UBND các cấp, tạo sự liên kết chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo và giám sát, góp phần gia tăng tính đồng bộ và sức lan tỏa của các hoạt động PBGDPL trên địa bàn.
Để tạo nguồn lực cho công tác tuyên truyền PBGDPL, Quảng Ninh đã xây dựng lực lượng nòng cốt gồm 185 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 379 báo cáo viên cấp huyện, 2.455 tuyên truyền viên cấp xã và 9.088 hòa giải viên ở cơ sở.
Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các địa phương thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, đảm bảo kiến thức chuyên sâu và kỹ năng truyền đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, sự tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, giáo viên pháp luật trong trường học, phóng viên truyền thông và cán bộ tổ chức chính trị - xã hội đã mở rộng mạng lưới truyền tải pháp luật đến mọi tầng lớp dân cư.
Kinh phí cho công tác PBGDPL được UBND tỉnh quan tâm bố trí và tăng cường quản lý. Riêng năm 2024, nguồn kinh phí cấp cho Hội đồng phối hợp và Sở Tư pháp tại cấp tỉnh là 2,38 tỷ đồng; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh được cấp 9,4 tỷ đồng; kinh phí cho 13 huyện, thị xã, thành phố hơn 2 tỷ đồng, trung bình mỗi đơn vị cấp huyện khoảng 200-300 triệu đồng; cấp xã được cấp 1,2 tỷ đồng.
Tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành mới được ban hành để việc triển khai, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân trên địa bàn được dễ dàng.
Lan toả các hình thức tuyên truyền, phổ biến
Với nguồn nhân lực cho công tác tuyên truyền, PBGDPL được đầu tư đã góp phần huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể vào cuộc trong công tác này. Qua đó, hình thức tuyên truyền PBGDPL cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức gần 10.000 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, thu hút khoảng 2 triệu lượt người tham dự; đồng thời triển khai 31 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 31.462 lượt người tham gia. Các hội nghị được tổ chức linh hoạt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, tại 191 điểm cầu từ tỉnh đến cấp xã, đảm bảo mọi đối tượng, kể cả vùng sâu, vùng xa, đều có cơ hội tiếp cận thông tin pháp luật.
Song song với hoạt động hội nghị, công tác biên soạn, in ấn và phát hành tài liệu PBGDPL được chú trọng. Toàn tỉnh đã biên soạn, in ấn và cấp phát 1.807.051 tài liệu các loại với thiết kế sinh động, dễ hiểu, phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng; đồng thời tăng cường phát hành tài liệu điện tử như infographic, video clip và sổ tay pháp luật điện tử, góp phần đa dạng hóa kênh tiếp cận và nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là điểm nhấn quan trọng trong công tác PBGDPL. Sở Tư pháp phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh ký kết Chương trình phối hợp, qua đó thực hiện đăng tải nhiều tin, bài, chuyên mục trên các hạ tầng của Trung tâm. Trang thông tin PBGDPL tỉnh duy trì cập nhật liên tục các văn bản pháp luật mới, tạo nguồn tài nguyên số phong phú cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức tiếp cận. Hình thức trực tuyến và tương tác trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo đã góp phần thu hút sự quan tâm đặc biệt, nhất là đối với đối tượng trẻ.
Cùng với đó, những mô hình PBGDPL hiệu quả cũng là minh chứng sống động cho tính sáng tạo và thực tiễn. Tiêu biểu như: Phường Cẩm Tây (Cẩm Phả) duy trì mô hình “Câu lạc bộ bạn giúp bạn”, tạo không gian trao đổi pháp luật thân thiện; Bộ CHQS tỉnh triển khai “Truyền thanh pháp luật” mang nội dung luật đến cán bộ chiến sĩ; Công an tỉnh và các đơn vị tổ chức mô hình “Khéo tuyên truyền, vận động” nhằm hướng dẫn tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đảm bảo an toàn PCCC…
Trung tá Đào Xuân Nguyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trà Cổ, BĐBP tỉnh, cho biết: Thời gian qua, Đồn đã triển khai đồng bộ, phối hợp với chính quyền phường Trà Cổ, Bình Ngọc thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền pháp luật, trong đó 6 buổi tuyên truyền lĩnh vực Thuỷ sản cho 352 lượt người dân, tuyên truyền cho 800 lượt phương tiện hoạt động ra vào địa bàn giúp ngư dân thực hiện tốt các quy định pháp luật.
Bằng việc nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức, mở rộng đối tượng và không ngừng hoàn thiện cơ chế phối hợp, Quảng Ninh tiếp tục phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế và xây dựng môi trường pháp luật ngày càng thân thiện, dễ tiếp cận. Khi người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, ý thức chấp hành pháp luật sẽ trở thành thói quen, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững, giàu bản sắc văn hóa.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/tao-hieu-luc-hieu-qua-trong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-3353587.html
Bình luận (0)