Để phát triển đồng bộ và bền vững hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia, vấn đề giáo dục sở hữu trí tuệ cho thế hệ trẻ, nhất là từ học sinh phổ thông là một trong những việc làm cần thiết đã được nhiều quốc gia triển khai hiệu quả, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, góp phần tạo dựng một xã hội văn minh, tiên tiến.
Thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với nhiều đơn vị, trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, giáo dục sở hữu trí tuệ trong giới trẻ, nhất là đối với học sinh vẫn còn là vấn đề mới, chưa được triển khai một cách bài bản và thường xuyên.
Khảo sát của Cục Sở hữu trí tuệ với 800 học sinh đến từ các trường học cho thấy, 74% số học sinh tiểu học và 87% số học sinh trung học cơ sở cho biết chưa bao giờ được tiếp cận với kiến thức về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phần lớn các em đều cho biết sẵn sàng đón nhận các kiến thức mới này. Em Đặng Hoàng Gia Bảo, học sinh lớp 6 Trường trung học cơ sở Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) là một thí dụ. Với mô hình “Trang trại ước mơ” được làm từ vật liệu tái chế, em không chỉ đoạt giải tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng thành phố, mà còn góp phần lan tỏa tinh thần sáng tạo học đường.
Trong các chương trình giáo dục hiện hành, hoạt động đào tạo STEM, STEAM tại các nhà trường còn thiếu nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp sáng tạo.
Theo các chuyên gia, mặc dù sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế tri thức, nhưng nhận thức về giá trị của sở hữu trí tuệ trong cộng đồng giáo dục và xã hội vẫn còn hạn chế. Lĩnh vực này hiện vẫn là khoảng trống trong nhà trường, chưa được quan tâm lồng ghép và đưa vào chương trình giảng dạy một cách đầy đủ. Phần lớn giáo viên ít được tập huấn, chưa được đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ và thiếu tài liệu giảng dạy phù hợp, làm giảm hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Trong các chương trình giáo dục hiện hành, hoạt động đào tạo STEM, STEAM tại các nhà trường còn thiếu nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp sáng tạo. Điều này khiến học sinh ít có cơ hội tiếp cận với những kiến thức thiết thực về lĩnh vực này, dù tiềm năng sáng tạo trong lứa tuổi học sinh là rất lớn.
Theo cô giáo Đỗ Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc hình thành tư duy sáng tạo của các em nhưng nội dung này vẫn chưa được tích hợp đầy đủ vào chương trình giảng dạy.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 23 triệu học sinh, là lực lượng tiềm năng trong việc lan tỏa nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, góp phần hình thành thế hệ công dân sáng tạo trong tương lai. Thực tế cho thấy ngành giáo dục đã có nhiều hoạt động nhằm khơi dậy đam mê sáng tạo trong học sinh như các cuộc thi vẽ tranh, sân chơi sáng tạo STEM, STEAM... tạo những nền tảng tốt để tích hợp giáo dục sở hữu trí tuệ, giúp học sinh hiểu được giá trị của sản phẩm trí tuệ do chính mình tạo ra.
Cô giáo Hoàng Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị liên quan, việc thí điểm giảng dạy kiến thức về sở hữu trí tuệ trong nhà trường đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai chính thức nội dung này vào các tiết học chính khóa do chưa có quy định cụ thể từ cơ quan quản lý.
Theo ông Trần Giang Nam, Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo), để đẩy mạnh giáo dục sở hữu trí tuệ trong nhà trường, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chương trình hành động cụ thể, đưa nội dung này vào kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm năm học tại các trường phổ thông. Đồng thời, ngành giáo dục cần sắp xếp thời lượng học tập hợp lý, đào tạo giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) để hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ ngay trong thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.
Nguồn: https://nhandan.vn/tao-nen-tang-tu-duy-ve-so-huu-tri-tue-post873989.html
Bình luận (0)