Cửa hàng tạp hóa là nơi đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của người dân |
Nhớ như in cái hôm đi bộ ngang con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Thái Học, quận Thuận Hóa (TP. Huế), tôi thấy bà chủ cửa hàng tạp hóa lom khom xếp mấy chai dầu ăn ra trước cửa. Trưa nắng chang chang, bà vẫn mở quầy, tay run run, miệng cười khi có người gọi mua hộp sữa. Nói là cửa hàng nhưng bé tẹo, không biển hiệu, không máy lạnh nhưng vẫn có khách vào ra.
Đó không phải cửa hàng duy nhất tôi từng ghé. Gần nhà tôi, trên một đoạn đường vài chục mét có đến 4 cửa hàng tạp hóa “đứng chân” và lạ thay cửa hàng nào cũng đông khách. Với những người chủ, có thể họ không biết đến thuật ngữ “chuỗi bán lẻ”, “mô hình hiện đại”, nhưng họ biết hôm nay nhà ai có đám giỗ, ai vừa xuất viện, ai cần mua nợ vì tháng này lương về trễ. Họ bán hàng bằng trí nhớ, bằng sự tin cậy, thứ tài sản vô hình mà không phần mềm nào quản lý được.
Vài năm trở lại đây, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đã hiện diện ngày càng nhiều ở Huế. Trên các tuyến phố trung tâm đến vùng ngoại ô, hầu như đều đó sự xuất hiện của các siêu thị mini… với máy lạnh mát rượi, giá niêm yết, khuyến mãi mỗi tuần. Người trẻ, gia đình trẻ đi nhiều, mua nhanh, quét mã QR để thanh toán. Nhưng tôi cũng nhận ra một điều, những nơi ấy thường thiếu một thứ: Sự gắn bó. Không ai nhớ mặt bạn, không ai gọi tên bạn. Và đặc biệt, bạn cũng chẳng thể mua nợ hay nhắn zalo “chị ơi, để cho em 1 chai dầu và 2 gói mì, lát chồng em ghé lấy”. Điều đó có lẽ nhỏ nhặt, nhưng với những người buôn gánh bán bưng, công nhân, nội trợ… thì lại là cả một mạng lưới hỗ trợ âm thầm.
Tôi từng chứng kiến một bà cụ mua gói xà phòng ở cửa hàng tạp hóa đầu ngõ, quên mang tiền. Chủ cửa hàng chỉ nói: “Lát con trai bà về trả cũng được”. Câu nói nhẹ tênh, như không cần phải xác minh, ghi sổ. Ở các siêu thị mini, chuyện đó là không tưởng.
Những cửa hàng tạp hóa ở Huế không phải chỉ là nơi mua bán. Nó là điểm giao thoa giữa đời sống và tình làng nghĩa xóm. Nó là nơi bạn có thể gửi chìa khóa nhờ, nhờ giữ hàng shipper giao hộ, hoặc đơn giản là để hỏi: “Chị ơi, có bánh tráng nướng không?”. Người ta đến đó không chỉ vì hàng hóa mà vì sự thấu hiểu.
Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không phải cửa hàng nào cũng giữ được khách. Một số nơi bám mãi kiểu bán cũ: Bụi bặm, lộn xộn, chẳng quan tâm đến vệ sinh hay cách sắp xếp. Một số mặt hàng có khi hết hạn sử dụng. Và rồi họ mất khách thật. Nhưng nhiều người khác đã thay đổi và mang lại hiệu quả.
Chị Nga ở đường Hoàng Quốc Việt, phường An Đông, quận Thuận Hóa (TP. Huế), chủ một cửa hàng tạp hóa cho tôi xem chiếc điện thoại với danh sách gần 30 khách hàng zalo. Chị ghi đơn, báo giá, thậm chí livestream bán bánh ăn vặt vào cuối tuần. “Không cần rầm rộ, chỉ mấy đứa học trò quanh đây xem là đủ vui rồi”, chị nói. Tôi nghe mà xúc động, vì đó là cách mà tạp hóa đang học để không bị bỏ lại phía sau.
Tôi tin nếu có một chương trình hỗ trợ đúng, như tập huấn cách dùng công nghệ đơn giản, gắn camera an ninh, hướng dẫn quản lý tồn kho bằng excel thì tạp hóa truyền thống sẽ không chỉ tồn tại, “sống sót”, mà còn phát triển. Quả vậy, điều này đã được các đơn vị liên quan thực hiện, hỗ trợ cho tiểu thương ở các chợ truyền thống.
Tôi không bài xích chuỗi cửa hàng tiện lợi. Chúng cần thiết cho một đô thị đang phát triển, giúp tiêu dùng minh bạch, hiện đại, có truy xuất nguồn gốc. Nhưng tôi cũng không muốn các cửa hàng tạp hóa biến mất. Vì nếu một ngày chúng ta chỉ còn những quầy hàng lạnh lẽo, với hóa đơn in ra từ máy tính, thì điều gì sẽ giữ lại chút tình người giữa đô thị?
Mỗi lần đi làm về muộn, tôi vẫn ghé cửa hàng tạp hoá bà Gái đầu ngõ mua bịch sữa, có khi là gói bánh cho con. Bà Gái vẫn nhớ tên tôi, vẫn hỏi: “Bé nhà anh học lớp mấy rồi?”. Tôi trả tiền, gật đầu cảm ơn mà thấy lòng nhẹ lại sau một ngày căng thẳng.
Tạp hóa dù nhỏ bé, lặng lẽ nhưng vẫn đang giữ hộ chúng ta một phần ký ức đời thường. Và chừng nào người mua vẫn còn cần điều đó, thì chúng vẫn sẽ sáng đèn.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/tap-hoa-dau-ngo-van-sang-den-153978.html
Bình luận (0)