Từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh công tác CCHC, yêu cầu các đơn vị, ngành, địa phương bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung theo các quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ và văn bản liên quan.
Xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai công tác CCHC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới. Công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được triển khai, thực hiện đảm bảo chất lượng; công tác theo dõi thi hành pháp luật được duy trì, thực hiện thường xuyên.
Việc kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện kịp thời, đúng quy định Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh được đơn giản hóa, công khai minh bạch, duy trì thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh đã tích cực thực hiện triển khai cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và một phần trên Cổng DVC của tỉnh và tích hợp, kết nối lên Cổng DVC Quốc gia, tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong thực hiện giao dịch hành chính.
Quý I/2025, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức, thực hiện được 18/64 nhiệm vụ, đạt 28,13% Kế hoạch CCHC của tỉnh năm 2025, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ với những nội dung trọng tâm như: Cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số…
Riêng trong lĩnh vực cải cách TTHC, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành 30 Quyết định công bố 657 TTHC, trong đó thêm mới 91 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thể 504 TTHC; bãi bỏ 62 TTHC. 100% TTHC công bố, công khai đều có quy trình nội bộ, quy trình điện tử và đăng nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh kết nối với 23 hệ thống thông tin khác, gồm 12 hệ thống của Trung ương, 8 hệ thống phần mềm ứng dụng của Vĩnh Phúc, 3 hệ thống khác.
Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết được cấp kết quả bản điện tử toàn tỉnh quý I/2025 đạt 80,32%, tỷ lệ hồ sơ số hóa thành phần hồ sơ khi tiếp nhận đạt 59,55%. Ứng dụng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP tỉnh đã thiết lập, kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia, Cổng thanh toán tập trung Quốc gia và sẵn sàng kết nối đến các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, Trung ương.
Những nỗ lực về CCHC, hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng KT - XH của tỉnh 3 tháng đầu năm. Quý I, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 8,75% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh có 344 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1.880 tỷ đồng, tăng 12,05% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước, tạo thêm việc làm cho gần 2.500 lao động. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 8.339 tỷ đồng, tăng 2,97% so với cùng kỳ năm trước....
Từ đầu năm đến nay, cấp ủy chính quyền trên địa bàn thành phố Phúc Yên tập trung rà soát, tăng cường quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, đẩy mạnh CCHC, nhất là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Đến hết quý I/2025, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC thành phố đã tiếp nhận 1.392 hồ sơ, trong đó giải quyết trước và đúng hạn đạt 74,26%; UBND cấp xã tiếp nhận 2.590 hồ sơ, trong đó giải quyết trước và đúng hạn đạt 93.86%. Tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến trên toàn thành phố đạt 85,8%; tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản đạt 100%.
Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu về tăng trưởng KT - XH trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm đạt được những kết quả khả quan như: Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 19.390 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành dịch vụ dịch vụ - thương mại đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt 3.366 tỷ đồng, bằng 50% dự toán tỉnh giao, tăng 21,8% so với cùng kỳ…
Một trong những việc làm quan trọng nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2025 trên địa bàn tỉnh là đẩy mạnh CCHC theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các văn bản liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo sở, ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL nhằm hoàn thiện thể chế và đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực trong hệ thống pháp luật tại địa phương.
Đẩy mạnh rà soát TTHC sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa; tổ chức có hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tập trung vào nhiệm vụ duy trì, phát triển ứng dụng đồng bộ, hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, an toàn, an ninh thông tin; tăng tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVC trực tuyến đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số…
Ngọc Lan
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126935/Tap-trung-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-huong-toi-tang-truong-2-con-so
Bình luận (0)