Tái sử dụng tầng đẩy thành công nhưng kết thúc bằng vụ nổ

Tổ hợp siêu tên lửa Starship của SpaceX trong chuyến bay thử nghiệm thứ 9 vào ngày 28/5 (Ảnh: SpaceX).
Rạng sáng 28/5 (giờ Việt Nam), SpaceX tiến hành chuyến bay thử nghiệm lần thứ 9 của tổ hợp siêu tên lửa Starship - hệ thống được thiết kế để phục vụ mục tiêu chinh phục Mặt Trăng và Sao Hỏa trong tương lai.
Dù đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, nhiệm vụ lần này vẫn kết thúc trong thất bại khi công ty mất quyền kiểm soát cả hai tầng của hệ thống.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên tầng đẩy Super Heavy được tái sử dụng, với 29 trong tổng số 33 động cơ Raptor từng thực hiện nhiệm vụ ở chuyến bay trước đó.
Super Heavy được phóng từ Starbase - cơ sở phóng của SpaceX tại Nam Texas (Mỹ). Quá trình tách tầng diễn ra đúng kế hoạch và tầng trên Starship đã đạt đến không gian, thể hiện sự cải thiện rõ rệt so với các lần thử nghiệm trước.
Tuy nhiên, sau khoảng 6 phút 20 giây, tầng đẩy Super Heavy đã phát nổ khi bắt đầu quy trình hạ cánh xuống Vịnh Mexico. Theo đại diện SpaceX, vụ nổ xảy ra trước khi các động cơ có thể hoàn tất pha đốt để quay trở lại an toàn.
Khác với các lần thử nghiệm trước, lần này Super Heavy thực hiện một số thử nghiệm khí động học mới trong hành trình quay về, trong đó có việc thay đổi góc tấn công để cải thiện hiệu suất hạ cánh và tiết kiệm nhiên liệu.
Tàu Starship: Nhiều kỳ vọng nhưng vẫn chưa làm nên lịch sử

SpaceX đang phát triển Starship thành một hệ thống vận chuyển có thể tái sử dụng hoàn toàn, nghĩa là cả tên lửa và phương tiện đều có thể quay trở lại mặt đất để thực hiện các nhiệm vụ bổ sung (Ảnh: SpaceX).
Về phần tàu Starship, phương tiện dài 52 mét đã bay vào không gian theo quỹ đạo dưới quỹ đạo, hướng về phía đông qua Đại Tây Dương. Đây là một bước tiến lớn so với các chuyến bay trước, khi tàu thường phát nổ sớm chỉ vài phút sau khi rời bệ phóng.
Tuy nhiên, kế hoạch triển khai 8 vệ tinh mô phỏng thuộc mạng lưới Starlink vào khoảng 18 phút sau khi phóng đã không thể thực hiện do sự cố ở cửa khoang tải trọng.
Không lâu sau đó, tàu mất kiểm soát do rò rỉ trong bình nhiên liệu, ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh tư thế trong không gian.
Sự cố buộc SpaceX phải hủy thử nghiệm thắp lại động cơ Raptor và chấp nhận kết thúc nhiệm vụ bằng một vụ rơi tự do không kiểm soát phía trên Ấn Độ Dương.
Những thất bại có tính tích lũy
Bất chấp thất bại, SpaceX vẫn thu thập được lượng dữ liệu lớn phục vụ cải tiến công nghệ. Trong chuyến bay này, công ty đã thử nghiệm các loại tấm chắn nhiệt mới, bao gồm cả vật liệu có hệ thống làm mát chủ động, nhằm đánh giá hiệu suất trong quá trình tái nhập khí quyển.
Phát biểu sau vụ phóng, Giám đốc Kỹ thuật sản xuất của SpaceX, bà Jessie Anderson, nhấn mạnh:
“Đây chính là cách mà SpaceX hoạt động. Chúng tôi học hỏi từ mỗi thất bại, lặp lại và cải tiến cho đến khi thành công".
Chuyến bay thử đầu tiên vào tháng 4/2023 (Flight 1) kết thúc chỉ sau chưa đầy 4 phút, khi hệ thống tách tầng thất bại khiến toàn bộ tên lửa mất kiểm soát và phải kích hoạt cơ chế tự hủy.
Flight 2 cũng không thành công, khi tầng đẩy phát nổ ngay sau khi tách tầng.
Từ Flight 3 đến Flight 5, SpaceX lần lượt cải thiện khả năng kiểm soát, đạt độ cao lớn hơn và thử nghiệm thêm nhiều công nghệ mới, nhưng đều chưa thể tái nhập khí quyển thành công.
Tới Flight 6 và 7, Starship bắt đầu thực hiện các bài thử trong không gian, dù vẫn gặp lỗi ở hệ thống phụ trợ như điều khiển tư thế và động cơ quay lại.
Flight 8 – chuyến bay gần đây nhất – đã tiến rất gần tới mục tiêu khi tàu bay qua nửa vòng Trái Đất nhưng vẫn gặp trục trặc trong quá trình tái nhập khí quyển.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/tau-starship-phong-that-bai-phat-no-trong-khong-gian-20250528081651333.htm
Bình luận (0)