Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thành phố Hồ Chí Minh: Khát vọng lớn cùng cơ hội lịch sử

Ngày 1/7/2025 trở thành dấu mốc quan trọng, bước ngoặt trong lịch sử phát triển đô thị của Việt Nam nói chung cũng như trong xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng - một thành phố với tiềm lực, vị thế mới mang một kỳ vọng lớn. Kỳ vọng của một siêu đô thị tầm quốc tế.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân02/07/2025

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một thực thể hành chính-kinh tế có vị thế mới trên bản đồ các thành phố lớn trong khu vực và thế giới, mang trong mình khát vọng lớn cùng cơ hội lịch sử. Để hiện thực hóa kỳ vọng lọt vào Top 100 thành phố đáng sống trên thế giới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, bên cạnh những thuận lợi, thành phố còn phải vượt qua nhiều thử thách...

Tầm vóc lớn

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước với sức mạnh về tài chính-dịch vụ, nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có vị thế nổi bật trong khu vực cũng như trên thế giới. Bình Dương, nơi có hạ tầng công nghiệp phát triển thuộc hàng đầu Đông Nam Á, có nguồn vốn FDI dồi dào với quá trình đô thị hóa được đánh giá tương đương với các nước phát triển.

Bà Rịa-Vũng Tàu, cửa ngõ hàng hải quốc tế, đang vươn mình trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia với cụm cảng Cái Mép-Thị Vải - một trong 21 cảng nước sâu hàng đầu thế giới, có năng lực cạnh tranh ở tầm khu vực châu Á và thế giới. Việc kết nối sâu ba địa phương sẽ tạo ra một tam giác kinh tế hội tụ đủ các yếu tố dịch vụ tài chính, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, logistics và cảng biển.

Cả ba địa phương đều đang hội tụ những nền tảng thể chế, quản trị số hàng đầu cả nước. Những nền tảng này tạo nên một vùng đô thị tiên phong, dẫn dắt không chỉ bằng tốc độ tăng trưởng, mà bằng chất lượng quản trị. Đây cũng là những địa phương có thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, có thế mạnh về các lĩnh vực y tế, giáo dục- đào tạo, các chính sách an sinh xã hội.

Sau khi hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh (mới) có quy mô, tiềm lực lớn với tổng diện tích tự nhiên là 6.772,59 km2, quy mô dân số hơn 14 triệu người. Mức đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố khoảng 24% và đóng góp gần 40% ngân sách quốc gia.

Thành phố Hồ Chí Minh mới không đơn thuần là phép tính cộng không gian địa lý, mà là sự hợp lực tạo ra động lực mới, dư địa mới để phát triển ở tầm cao hơn, đẳng cấp hơn.

“Nơi ba cực kinh tế năng động bậc nhất cả nước hội tụ thành một siêu đô thị tài chính-công nghiệp công nghệ cao-kinh tế biển có mật độ phát triển cao bậc nhất Đông Nam Á, với tầm nhìn phấn đấu vào Top 100 thành phố đáng sống trên thế giới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Nguyễn Văn Được chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là quyết sách mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, đánh dấu chương mới trong công cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy “tinh-gọn- mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả”. Thành phố Hồ Chí Minh mới không đơn thuần là phép tính cộng không gian địa lý, mà là sự hợp lực tạo ra động lực mới, dư địa mới để phát triển ở tầm cao hơn, đẳng cấp hơn.

“Nơi ba cực kinh tế năng động bậc nhất cả nước hội tụ thành một siêu đô thị tài chính-công nghiệp công nghệ cao-kinh tế biển có mật độ phát triển cao bậc nhất Đông Nam Á, với tầm nhìn phấn đấu vào Top 100 thành phố đáng sống trên thế giới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Nguyễn Văn Được chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội, Trợ lý Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, không có nơi nào hội tụ động lực tăng trưởng mạnh như Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Với sự phát triển này, trong thời gian tới sẽ có thêm những tứ giác động lực mới rất tiềm năng, cụ thể như khu cảng trung chuyển quốc tế của Thị Vải-Cái Mép kết hợp với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Từ đó, sẽ hình thành khu thương mại tự do kết hợp với Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Long Thành của Đồng Nai, tạo ra một động lực mới để phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không bó hẹp trong địa giới từ ba địa phương sáp nhập mà tương lai còn mở rộng sang các tỉnh lân cận để thực hiện chiến lược phát triển vùng. Thành phố không chỉ là hạt nhân, động lực với vai trò dẫn dắt mà còn tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong phát triển liên vùng.

Phát biểu trong buổi làm việc mới đây với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Tầm nhìn mới cho Thành phố Hồ Chí Minh là trở thành siêu đô thị quốc tế của Đông Nam Á-một đô thị thông minh, xanh, sáng tạo, tiêu biểu không chỉ về sức mạnh kinh tế mà cả sự phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí và phong cách sống hiện đại, năng động. Và Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu kinh tế quốc gia mà phải là đô thị hiện đại có ảnh hưởng trong mạng lưới các thành phố toàn cầu.

Hoàn thiện mô hình quản trị mới để đủ sức điều hành

Với tầm vóc lớn, diện tích lớn, cùng quy mô dân số đông, Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh tiềm lực mạnh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn về quản trị đô thị. Mô hình quản trị mới theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm phải mạnh hơn cấp tỉnh, linh hoạt hơn cấp vùng, đủ sức điều hành một siêu đô thị ba cực trong kỷ nguyên hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Cần thiết lập hệ thống quản trị thông minh, hiện đại, đồng bộ toàn diện. Việc hợp nhất ba địa phương nhằm tối ưu hóa không chỉ là nguồn lực hữu hình mà quan trọng hơn là thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng chính quyền số kiến tạo- minh bạch-hiệu quả.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, đây là cuộc cách mạng về tổ chức, tư duy, hành động và tạo cơ hội mới trong giai đoạn phát triển mới. Một thể chế đủ rộng và linh hoạt, phù hợp với quy mô dân số, kinh tế, đặc điểm về an ninh, quốc phòng của từng địa phương là yêu cầu tất yếu. Đồng thời, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Cùng suy nghĩ này, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cho rằng: Mặc dù, địa phương nào cũng có thế mạnh nổi trội, tuy nhiên khi hợp nhất, sẽ không tránh khỏi những thách thức trong tái cấu trúc bộ máy hành chính và điều hành. Nếu không có phương án cụ thể, rõ ràng về phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực, dễ dẫn đến chồng chéo chức năng, xung đột lợi ích và phát sinh các vấn đề về quản trị hiệu quả.

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN NÊN, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, BÍ THƯ THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CHO BIẾT:

Ngay từ ngày 1/7, các cấp, các ngành phải tập trung cao độ cho việc vận hành bộ máy theo mô hình mới với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất, bảo đảm thông suốt, liên tục. Các tổ chức, cá nhân được phân công phải thường xuyên rà soát toàn bộ các phần việc, đầu việc, tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, chia sẻ các vướng mắc, đề xuất kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Cán bộ là then chốt của then chốt, quyết định cho mọi thành bại, do đó, mỗi cán bộ cần làm tốt phần việc được giao, xem đó là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự để góp phần vận hành bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Thực tiễn đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức cần phải tự chuẩn bị cho mình về tâm thế, tư duy, tầm nhìn, năng lực, phương pháp và không ngừng học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức để xứng tầm là cán bộ của một thành phố lớn - một siêu đô thị mang tầm vóc toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh, xây dựng mô hình chính quyền điện tử toàn trình (chính quyền số). Đồng thời, việc phân bổ nguồn lực và bảo đảm sự phát triển bền vững cũng là bài toán cần phải tính trong khi ngân sách có hạn. Để Thành phố Hồ Chí Minh thật sự là bệ phóng cho kinh tế Việt Nam, chúng ta cần phải nhìn nhận đúng thực trạng, chỉ ra được những khó khăn, chủ động tháo gỡ bằng giải pháp thiết thực, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đưa ra một thí dụ cụ thể: Hiện nay, các tuyến giao thông kết nối giữa các trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải, ùn tắc kéo dài, làm gia tăng chi phí logistics và ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh vùng. Một số dự án trọng điểm như: Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường sắt đô thị liên tỉnh... vẫn trong quá trình chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Để có thể quản lý, thúc đẩy phát triển một siêu đô thị tầm cỡ như Thành phố Hồ Chí Minh thì bên cạnh thể chế, con người được xem là yếu tố quan trọng. Thực tiễn đòi hỏi nguồn nhân lực đủ chuẩn, đủ sức gánh vác trọng trách mới, bảo đảm bộ máy hoạt động đồng đều, thông suốt, trơn tru, minh bạch. Để giữ và phát huy được người tài, người có tâm, có tầm, thì cần có các chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Trong giai đoạn hiện nay, đó là, việc giải quyết chính sách đối với từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức, từng trường hợp cụ thể để người tiếp tục đi tới yên tâm cống hiến, người không tiếp tục cũng nhận được sự quan tâm đúng mức.

Để hiện thực hóa tầm nhìn và những mục tiêu kỳ vọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh là điều không dễ dàng. Trong buổi làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh cần có “một khát vọng đủ lớn, một ý chí đủ mạnh và một quyết tâm chính trị đủ cao từ toàn bộ hệ thống chính trị”.

Vương Lê - Nhandan.vn

Nguồn:https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-khat-vong-lon-cung-co-hoi-lich-su-post891095.html



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm