Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Tham gia thị trường carbon không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại cơ hội lớn"

(Dân trí) - Theo TS Lê Hải Hưng, các rào cản carbon tương tự CBAM có thể xuất hiện tại Việt Nam. Do đó, việc kiểm kê và giảm phát thải không chỉ là trách nhiệm mà còn là chiến lược để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trong nền kinh tế xanh, bền vững.

Báo Dân tríBáo Dân trí27/05/2025

Cơ hội và thách thức của Việt Nam trước cam kết Net Zero 2050

Tọa đàm "Tăng trưởng xanh và thị trường carbon - Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?" vừa diễn ra trên báo Dân trí, có sự tham gia của TS. Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ (IRAT), thành viên Ban Khoa học Công nghệ - Hội Chiếu sáng Việt Nam. Ông chia sẻ kiến thức về khí nhà kính (KNK), tác động của KNK đến đời sống kinh tế xã hội, cách kiểm kê và thị trường carbon.

TS Hưng cho biết khi tự nghiên cứu về chỉ tiêu Chỉ số chất lượng phát triển, đo bằng tấn KNK/1.000 USD GDP bình quân đầu người, ông nhận thấy rằng Việt Nam đứng thứ 6 khu vực với mức phát thải 1,2 tấn KNK/1.000 USD GDP bình quân. "Việt Nam đang có nhiều vấn đề cần phải xem để thực hiện được cam kết Net Zero vào năm 2050", TS Hưng cho hay.

Nguyên nhân chính của hiệu ứng nhà kính là đốt nhiên liệu hóa thạch thải CO2, phá rừng làm mất bể hấp thụ CO2, hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi thải CH4, N2O (hệ số nóng lên toàn cầu lần lượt gấp 28 và 280 lần CO2).

Tại COP21, các quốc gia cam kết giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5⁰C vào cuối thế kỷ 21, nhưng với mức tăng hiện tại đã 1,48⁰C, mục tiêu chỉ tăng thêm 0,2⁰C là khó khả thi, dẫn đến thỏa thuận mới là không quá 2⁰C.

Hậu quả chính của KNK là làm biến đổi khí hậu, gây tan băng, nước biển dâng, cháy rừng, lũ lụt, hạn hán, ngập mặn, ảnh hưởng các nước ven biển và kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp như Việt Nam.

Giải pháp hạn chế KNK gồm chuyển dịch năng lượng sang tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm, phát triển nông nghiệp hữu cơ, trồng rừng, thu hồi carbon CCS. Hiện Việt Nam đã ban hành Quyết định 232, trong đó có nội dung vận hành thử sàn giao dịch carbon từ tháng 6/2025 đến 2028, chính thức hoạt động năm 2029.

Tại COP26, Thủ tướng cam kết giảm phụ thuộc điện than, tăng năng lượng tái tạo, đạt Net Zero năm 2050. Quyết định 01 (1/2022) và Quyết định 13 (8/2024) yêu cầu 2.166 doanh nghiệp tiêu thụ từ 1.000 tấn dầu tương đương hoặc thải 3.000 tấn KNK phải kiểm kê, nộp báo cáo trước 31/3/2025.

Tham gia thị trường carbon không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại cơ hội lớn - 1

TS. Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ (IRAT), thành viên Ban Khoa học Công nghệ - Hội Chiếu sáng Việt Nam tại tọa đàm (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo TS Hưng, với việc EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) dùng để đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này dựa trên cường độ phát thải KNK trong quy trình sản xuất tại nước sở tại từ năm 2025, Việt Nam - vốn là một nước tăng trưởng nhờ xuất khẩu, lại xuất khẩu nhiều sản phẩm có phát thải cao - sẽ "không thể đứng ngoài cuộc".

Viện trưởng Viện IRAT cũng nhấn mạnh rằng Net Zero 2050 là cơ hội để Việt Nam nâng cao nhận thức và quyết tâm hành động, nhưng cũng là thách thức do nhu cầu năng lượng tăng từ công nghiệp hóa, tỷ lệ năng lượng hóa thạch cao, nông nghiệp lúa nước thải nhiều KNK, khoảng trống pháp lý trong kiểm kê, đào tạo, giao dịch tín chỉ carbon.

"Việc tham gia thị trường carbon không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại cơ hội lớn. Nếu không chuẩn bị sớm, doanh nghiệp Việt Nam có thể mất cơ hội xuất khẩu vào các thị trường áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), như EU, hoặc bị loại khỏi chuỗi cung ứng quốc tế.

Hiện tại, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm sạch, sản phẩm phát thải khí nhà kính thấp. Có lẽ trong tương lai gần, Việt Nam cũng sẽ có những giải pháp, rào cản như CBAM. Đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, minh chứng cho thấy sự vượt trội của sản phẩm", TS Hưng chia sẻ.

Kiểm kê khí nhà kính: Hành động thiết yếu của doanh nghiệp Việt Nam

Kiểm kê KNK là một hoạt động còn mới mẻ tại Việt Nam, nhưng ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững.

Đối với các doanh nghiệp chưa có công cụ kiểm kê chuyên nghiệp, việc bắt đầu bằng cách ghi nhận các nguồn phát thải chính như điện, than, xăng dầu là bước đi khả thi. Dựa trên hệ số phát thải, doanh nghiệp có thể ước tính lượng phát thải và xây dựng kế hoạch giảm thiểu.

Chính phủ Việt Nam có nhiều động thái hỗ trợ doanh nghiệp, như ban hành Quyết định 2626 về hệ số phát thải, cùng các văn bản hướng dẫn từ Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải (trước đây). Ngoài ra, các tổ chức quốc tế và chương trình như "Vì tương lai xanh" cũng góp phần nâng cao năng lực kiểm kê cho doanh nghiệp. Đây là những cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực và kiến thức cần thiết.

Để giảm phát thải, doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp như tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn để tối ưu hóa tài nguyên. Đồng thời, việc đào tạo nhân sự về kiểm kê KNK, tham gia các dự án xanh là cách nâng cao năng lực nội bộ.

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam tuy mới, dự kiến vận hành thử từ tháng 6/2025 và chính thức vào năm 2029, nhưng có thể học hỏi từ các quốc gia đi trước như Hàn Quốc và Singapore.

Hàn Quốc đã đạt được giao dịch tín chỉ carbon chiếm 79% tổng lượng phát thải quốc gia, với giá trị khoảng 2 tỷ USD. Singapore, từ năm 2019, đã định giá 1 tín chỉ carbon là 5 SGD, dự kiến tăng lên 60-80 SGD trong tương lai. Những kinh nghiệm này là bài học quý giá cho Việt Nam trong việc xây dựng thị trường carbon.

Tham gia thị trường carbon không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại cơ hội lớn - 2

TS Hưng nhấn mạnh tất cả các doanh nghiệp không thể đứng ngoài xu hướng giảm phát thải KNK, mà việc cần làm trước tiên là thực hiện kiểm kê KNK trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo Quyết định 13/2024, hiện hơn 2.100 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê KNK, nhưng ngay cả các doanh nghiệp ngoài danh mục này cũng nên thực hiện để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hoặc phục vụ xu hướng tiêu dùng "xanh" trong nước.

Chi phí kiểm kê phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp, nhưng với doanh nghiệp phát thải vài nghìn tấn carbon, chi phí ước tính khoảng 50-70 triệu đồng mỗi 2 năm, mà theo TS Hưng, đây là "một mức đầu tư hợp lý".

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Viện trưởng Viện IRAT, khó khăn nhất với các doanh nghiệp hiện này là còn thiếu khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động kiểm kê khí nhà kính, từ quy trình đào tạo đến công nhận kết quả. Do đó, TS Hưng mong muốn Chính phủ cần sớm hoàn thiện các quy định này để đảm bảo tính minh bạch và giá trị của tín chỉ carbon khi tham gia thị trường.

"Kiểm kê khí nhà kính không quá phức tạp nếu doanh nghiệp tận dụng hướng dẫn từ các bộ ngành, tài liệu như Quyết định 2626, hoặc tham gia các khóa tập huấn. Với sự hỗ trợ từ chuyên gia và các quỹ bảo vệ môi trường, doanh nghiệp có thể giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả.

Trong tương lai, các rào cản carbon tương tự CBAM có thể xuất hiện tại Việt Nam, thúc đẩy sản phẩm có lượng phát thải thấp. Do đó, việc kiểm kê và giảm phát thải không chỉ là trách nhiệm mà còn là chiến lược để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trong nền kinh tế xanh, bền vững", TS Hưng khẳng định.

Quỹ Vì tương lai xanh, do Tập đoàn Vingroup thành lập vào ngày 7/7/2023, có sứ mệnh góp phần vào mục tiêu giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050 của Chính phủ.

Quỹ thúc đẩy các hành trình xanh trong cuộc sống hàng ngày, nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi mỗi cá nhân hành động ngay hôm nay để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai thông qua các hoạt động cộng đồng quy mô lớn, như chiến dịch "Thứ 4 Ngày Xanh" với hàng loạt chương trình ưu đãi từ các công ty thành viên và công ty liên kết của Tập đoàn Vingroup dành cho hàng triệu khách hàng để khuyến khích lối sống xanh, Chiến dịch Mùa Hè Xanh 2024 với sự tham gia của hơn 30 trường, viện và 7.000 thanh niên tình nguyện, Cuộc thi "Tiếng nói Xanh" và "Gửi tương lai xanh 2050" dành cho học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 thu hút gần 23.000 thí sinh, lan tỏa đến hàng trăm trường học tại 61 tỉnh, thành trên cả nước.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tham-gia-thi-truong-carbon-khong-chi-la-trach-nhiem-ma-con-mang-lai-co-hoi-lon-20250527152500681.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm