Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, tháng 10.2024; dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, tháng 5.2025.
Là cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành và 2 tọa đàm với chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Luật; tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng, so với dự thảo Luật được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, dự thảo Luật lần này đã có những điều chỉnh căn bản, đổi mới về tư duy, kỹ thuật lập pháp, phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong kỷ nguyên mới.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đánh giá, đến nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đạt mức độ hoàn thiện cao, hài hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước, bảo vệ người tiêu dùng với nhu cầu kinh doanh chính đáng của các bên quảng cáo, cung cấp dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo. Dự thảo Luật có nhiều điểm mới, sát hợp thực tiễn hơn.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua, tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, như: các quy định liên quan đến quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; quảng cáo trên mạng; quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo; quảng cáo trên báo chí…

Trong đó, với quảng cáo trên mạng, một số ý kiến cho rằng cần nghiên cứu có các quy định hợp lý, linh hoạt, minh bạch, tránh làm tăng chi phí dịch vụ quảng cáo trực tuyến, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quản lý hoạt động quảng cáo thông qua người có ảnh hưởng (KOL, KOC) được coi là một trong những điểm mới quan trọng của sửa đổi Luật Quảng cáo lần này. Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quảng cáo; đi kèm với khả năng giám sát phù hợp; có quy định đặc thù cho một số lĩnh vực nhạy cảm, có khả năng tác động lớn như tài chính…

Để phát huy tính sáng tạo của nghề quảng cáo và tạo thêm điều kiện cho các nhà quảng cáo mở rộng hoạt động, thu hút khách hàng và phù hợp với thông lệ quốc tế, đề nghị bổ sung phương tiện giao thông được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở hai mặt bên và mặt sau của phương tiện; đồng thời nghiên cứu cho quảng cáo trên các loại hình giao thông như tàu hỏa, tàu thủy, máy bay, vật thể bay…
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và hành vi người tiêu dùng trực tuyến, có ý kiến đề nghị định nghĩa rõ thông điệp quảng cáo số cũng như các phương tiện quảng cáo số. Dự thảo Luật cũng cần bổ sung quy định về phát trực tiếp của người có ảnh hưởng hoặc nhân vật quảng cáo phải lưu trữ nội dung phát trực tiếp đối với số lượng người tiếp nhận quảng cáo lớn.

Về quảng cáo trên báo chí, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quảng cáo trên báo in, truyền hình nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí thu hút nguồn lực quảng cáo, từ đó có điều kiện nâng cao chất lượng nội dung, chương trình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, không nên quy định cụ thể thời lượng, dung lượng quảng cáo trên báo chí, mà để quy luật và cạnh tranh thị trường điều chỉnh sẽ phù hợp hơn…

Cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng khẳng định, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có nhiều điểm mới, đặc biệt là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và không có tư duy không quản được thì cấm. Những ý kiến tại tọa đàm giúp Ủy ban Văn hóa và Xã hội có thêm thông tin và góc nhìn đa chiều, toàn diện trong quá trình tinh chỉnh, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.
“Chúng tôi kỳ vọng khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua và đi vào thực tiễn, doanh nghiệp hoạt động quảng cáo sẽ có hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, bình đẳng; người dân được tiếp nhận thông tin quảng cáo đúng, đủ, chính xác; đồng thời, mở ra căn cứ pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tham-van-chuyen-gia-hoan-thien-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-quang-cao-post410319.html
Bình luận (0)