Tháng tư như bản lề của cánh cửa thời gian khép mở hai phía giữa mùa xuân và mùa hạ. Cánh cửa thiên nhiên có chút đỏng đảnh để tháng tư mở ra nhiều khung cảnh của trời đất, mang đến nhiều cảm xúc cho lòng người. Vì lẽ đó, tháng tư đã đến bằng những dấu ấn của riêng mình.
Ảnh minh hoạ
Mùa xuân đã đi những bước cuối cùng trên dòng thời gian của một năm, mang theo những cơn mưa dấp dính, mang đi cả những khoảng trời ẩm ướt nhiều mây xám. Trời đã bắt đầu có những trận mưa rào đầu hạ.
Mưa ào ạt trút xuống con đường, dòng sông, cánh đồng, phố xá với một tiết tấu nhanh mạnh, dứt khoát như một dự cảm trong bản giao hưởng sôi động của mùa hè.
Mưa xối xả để cho nắng lên, một miền nắng bừng sáng mà vẫn có chút ngọt ngào của màu vàng mật rót xuống những bông hoa mướp đầu mùa trong ngõ nhỏ.
Nắng bừng lên cho trời xanh và cao, cho mây trắng, cho gió nhẹ và hiền hoà xô sóng lúa đang trổ đòng đòng thơm dìu dịu giữa đồng quê.
Con đường tháng tư ai đi rồi chắc không thể nào quên. Hoa xuyến chi cánh trắng, nhụy vàng nở từng vạt dịu dàng trên mép cỏ quanh co.
Hàng bằng lăng vươn cành lên khoảng trời xanh thẳm, trổ những bông hoa tím biếc, vẽ lên bức tranh tháng tư nét dịu dàng, quyến rũ.
Nơi cổng trường nào đó, hoa điệp vàng bắt đầu bung cánh và dệt thảm. Những cánh điệp vàng óng vương trên tóc nữ sinh khiến khoảng không gian như sóng sánh nắng vàng.
Đã có lần nào đó, chàng trai vụng về gỡ cánh điệp vàng trên mái tóc cô bạn cùng lớp để hai má cô gái ửng hồng, để ánh mắt giao nhau, để tháng tư còn lưu lại suốt những tháng năm dài trong lòng người viễn xứ.
Sân nhà tháng tư trong miền ký ức nào xa hiền hòa nắng gió. Chú mèo nằm bên hiên nắng vờn giỡn bóng mình. Bầy chim sẻ lích rích trên những tán cau làm tổ.
Thi thoảng, một chú sẻ nào đó vụng về làm rơi sợi rơm vàng xuống tay cha đang ngồi chẻ lạt đan rổ dưới tán cau. Cha chợt ngước mắt nhìn lên rồi lại mỉm cười tiếp tục cặm cụi với công việc.
Mẹ lúi húi bưng những sàng mốc tương đem ra phơi nắng. Những sàng mốc thường được mẹ nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng, ủ trong lớp lá chuối đã lên mốc vàng ươm tha hồ tỏa hương thơm dìu dịu giữa nắng gió tháng tư.
Bao giờ cũng thế, cứ vào khoảng đầu tháng tư là mẹ bắt đầu làm tương. Chum tương được phơi nắng nơi góc sân đợi ngày chín ngấu để kịp lứa rau muống đầu hè. Mỗi khi ngả tương, mẹ lại ngân nga câu ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Để rồi mỗi tháng tư về, lòng lại da diết nhớ mẹ, nhớ sân nhà tháng tư hiền hòa nắng gió.
Chặng cuối của tháng tư là ngày 30. Ngày kết thúc của tháng cũng là ngày gợi nhiều nhớ thương. Trước đó mấy hôm, thế nào cha cũng lấy trong cái hòm gỗ một lá cờ Tổ quốc để lồng vào sào tre gác trên mái nhà, cắm ở ngoài cổng. Có gì nhớ thương mà mắt cha vời vợi, dáng vẻ trầm tư.
Ngày 30 tháng tư, cha thường làm mâm cơm thắp hương, gọi cả bác Nga gần nhà sang ăn cùng. Trong câu chuyện bên mâm cơm gia đình, cha thường kể chuyện về chú Năm, em ruột của cha và bác Nga. Chú Năm bị bắn trong một đợt giặc về càn du kích làng, năm ấy chú mới 23 tuổi.
Rồi cha lại nhắc đến anh Trang, chồng của chị gái thứ hai trong nhà. Anh Trang hy sinh ở chiến trường Campuchia năm 1985.
Có phải vì những câu chuyện đặc biệt ấy của cha mà tháng tư mang thêm một nốt nhạc trầm hùng để những người hôm nay biết quý hơn những ngày tháng tư giữa dòng chảy bộn bề của thời gian.
Đêm qua lại mưa rào. Sáng nay trời lại trong xanh. Tháng tư đang trôi quá nửa với dạt dào bao miền nhớ thương./.
Nguyễn Văn Song
Nguồn: https://baolongan.vn/thang-tu-mien-nho-a193678.html
Bình luận (0)