Dùng thông tin người khác để "phông bạt" CV
"Thế hệ cợt nhả" là một trong những vấn đề được đặt ra tại tọa đàm trong khuôn khổ Ngày hội việc làm của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM).
Ngày hội đưa đến hơn 1.000 cơ hội việc làm đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút hơn 3.000 sinh viên tham gia.

Sinh viên tham dự ngày hội việc làm tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM (Ảnh: N.N).
"Thế hệ cợt nhả" là cụm từ được sử dụng để nói về Gen Z khi bước vào môi trường công sở theo phong cách cá nhân, khác biệt với thế hệ trước.
Họ có thể không nghiêm túc theo cách truyền thống, thay vào đó là sự biến tấu, phá cách, hài hước, linh hoạt mà vẫn đảm bảo hiệu suất công việc. Cụm từ này cũng thường được dùng để nói về việc thiếu khuân khổ, kỷ luật hay "quá trớn" của nhân sự trẻ ở môi trường công sở.
Tại chương trình, nói về tình huống "cợt nhả" dễ gặp hiện nay, một nữ sinh năm cuối đưa ra tình huống về việc nhiều ứng viên dùng thông tin của người khác đưa vào CV của mình đi xin việc. Họ tô vẽ, phông bạt năng lực của bản thân.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hậu, Công ty CP Nguồn Nhân Lực Siêu Việt, cho hay giờ đây CV chỉ là một phần trong quá trình xin việc. Quan trọng nhất vẫn là việc ứng viên thể hiện năng lực trong phỏng vấn như thế nào.
Bà Hậu khẳng định, bất cứ thông tin nào ứng viên viết trong CV mà khi phỏng vấn các bạn nói không được hoặc thể hiện không đủ sâu sắc sẽ bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp. Bởi thế, ứng viên cần trung thực khi tìm việc, nhất là khi thể hiện trong CV để tránh mất điểm.
Ông Lê Hoàng Việt, Phó phòng tuyển dụng nhân tài Ngân hàng Eximbank, cho hay trên thị trường lao động cụm từ "thế hệ cợt nhả" không còn xa lạ. Trên các diễn đàn thường có những chủ đề, bài viết, hình ảnh "bốc phốt" thế hệ này.
Tuy nhiên, theo ông Việt, cần nhìn nhận bối cảnh của thế hệ các bạn rất khác với các thế hệ trước.
Các bạn hiện nay sinh ra ở thời đại công nghệ, tiếp cận thông tin từ sớm với cường độ nhanh và nhiều. Cơ hội tiếp cận công việc của Gen Z đa dạng, có nhiều con đường chứ không còn bị bó hẹp như trước.
Nhưng việc tiếp nhận quá nhiều, quá nhanh thông tin cũng có thể lấy đi của thế hệ này một số kỹ năng cần thiết để sinh tồn trong doanh nghiệp. Đó có thể là kỹ năng giao tiếp, nói chuyện trực tiếp, làm việc nhóm… khi mà các bạn nhìn vào màn hình điện thoại nhiều hơn là "mặt đối mặt" với người đối diện.

Các chuyên gia về lĩnh vực nhân sự trao đổi về vấn đề "thế hệ cợt nhả" gia nhập thị trường lao động (Ảnh: Hoài Nam).
Ông Việt nhấn mạnh, các bạn trẻ cần giữ được cá tính, cái tôi của mình nhưng cũng cần những kỹ năng hòa nhập và hợp tác cần thiết với đồng nghiệp.
Nhân sự trẻ tìm việc "trả giá" với cả… hiệu trưởng
Thời đại ngày nay đặt ra yêu cầu cao, thậm chí khắt khe đối với nhân sự về kiến thức, kỹ năng công nghệ. Tuy nhiên, trái với sự khắt khe này, thực tế thị trường lao động lại đang chứng kiến "thế hệ cợt nhả" về thái độ.
Đó cũng là khía cạnh được đặt ra tại buổi giới thiệu ngày hội việc làm mới đây tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TPHCM, nêu quan điểm nếu nhân sự đi làm với tâm thế "cợt nhả" theo nghĩa tiêu cực đồng nghĩa với việc đang tự đào thải mình ra khỏi thị trường lao động. Khi không phù hợp họ sẽ bị điều chỉnh bởi chính họ và quy tắc tập thể, xã hội.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung kể về trường hợp một bạn trẻ xin vào làm giảng viên ở trường. Khi cầm CV của người này ông mừng lắm vì đây là một nhân tài tốt nghiệp từ Mỹ, một hacker (chuyên gia mạng và hệ thống) cực kỳ nổi tiếng.
Bạn mong muốn được chia sẻ với sinh viên, không quan tâm lương vì "thu nhập bên ngoài của em cao lắm, trường không trả nổi đâu". Tuy nhiên, bạn đưa ra yêu cầu "tuyệt đối không làm việc vào buổi sáng, chỉ bắt đầu làm việc từ 2h chiều". Lý do ban đêm bạn sẽ thức "cày" việc rồi rủ nhau đi nhậu, sáng… là phải ngủ.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho hay, nhân sự đi làm mang tâm thế cợt nhả là đang tự đào thải chính mình (Ảnh: N.T).
Đánh giá rất cao năng lực của ứng viên này, hiểu những giá trị bạn tạo ra vào ban đêm nhưng ông Trung từ chối vì mong muốn của bạn không phù hợp với các quy định, yêu cầu, giờ giấc làm việc của trường.
Ông Trung không thể nhận ứng viên này chính thức nhưng đề xuất bạn trẻ này có thể đến trường thỉnh giảng.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho hay, giờ đây các bạn thường nghe trên mạng về câu chuyện nhân sự lâu lâu đến cơ quan, còn lại ở nhà, ra ngoài tự do thoải mái. Đêm họ có thể thức làm, sáng gửi kết quả cho sếp ngày hôm sau… ngủ.
Nếu thái độ, hành vi "cợt nhả" đó của các bạn được tổ chức nơi các bạn làm chấp nhận thì không có vấn đề gì. Còn bất kể ai muốn đi làm nghiêm túc thì trước hết cần tuân thủ các quy định, kỷ luật, cần biết mình là ai và phải đáp ứng được các quy định chung.
Vị hiệu trưởng cũng chia sẻ, ông quan sát thấy không ít bạn trẻ đi làm chê sếp, chê tổ chức đủ kiểu. Tuy nhiên, chính các bạn nói nhiều, chê nhiều thường là... hành động chẳng bao nhiêu. Trong khi những gì các bạn học, các bạn biết khi đưa vào thực tế chưa chắc đã phù hợp.
PGS.TS Lê Văn Thăng, Hiệu Trưởng Trường Đại học Quốc tế, cũng nhấn mạnh kiến thức được học ở trường chưa chắc đã phù hợp với 100% thực tế nên sinh viên ra trường cần chủ động, mở lòng và đặc biệt cần khiêm tốn trong quá trình học hỏi. Khiêm tốn không có nghĩa là tự ti mà chính là tâm thế tự tin để đón nhận, để tìm hiểu và cả tôn trọng người khác.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/the-he-cot-nha-tim-viec-dao-cv-hacker-tra-gia-voi-hieu-truong-20250523072936955.htm
Bình luận (0)