Hàng nghìn thí sinh xúng xính áo dài, váy dân tộc, quần đùi áo số tập trung tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sáng nay.
Trong bộ trang phục dân tộc bắt mắt, Trần Thị Huế (Ninh Bình) cho hay, em sẽ thể hiện bài hát “Niềm vui của em” trong phần thi năng khiếu. Mặc dù không phải thí sinh vùng cao nhưng trang phục này được Huế lựa chọn phù hợp với bài hát.
“Em dự thi vào ngành giáo dục mầm non vì yêu thích trẻ con. Em khá tự tin vào giọng hát của bản thân và hy vọng đạt kết quả cao ở phần thi năng khiếu”, Huế cho biết.

Thí sinh thi bật xa vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (Ảnh: Mỹ Hà).
Giàng Thị Cúc từ điện Biên về Hà Nội cách đây 2 hôm. Sáng nay, Cúc cũng chọn bộ trang phục truyền thống của bà con dân tộc Mông đến điểm thi.
Nữ sinh chọn bài hát “Niềm vui của em” để thực hiện phần thi năng khiếu vào ngành giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ngoài hát, Cúc phải thể hiện cả năng khiếu kể chuyện. Nữ sinh này cho biết, em lên mạng tìm kiếm các câu chuyện ngắn, dễ nghe để dự thi.
Trước khi thi, Cúc luyện tập ở nhà nhiều lần. Em nhờ người nhà làm “ban giám khảo”, theo dõi phần trình bày để chỉnh sửa, hoàn thiện. Mục tiêu của nữ sinh này hy vọng đạt 8 điểm trên mỗi phần thi năng khiếu.
Thực hiện phần thi bật xa khá tốt, Vũ Thị Hân (Bắc Ninh) cho hay, em phải dự thi hai môn năng khiếu bật xa và chạy 100m.
Ước mơ của em là làm cô giáo dạy thể dục thể thao. “Ở trường em có 5 giáo viên nhưng toàn nam. Em mong ước mình trở thành giáo viên nữ của bộ môn này. Em không lo vất vả, chỉ lo không có việc làm và bố mẹ em rất ủng hộ con gái làm giáo viên thể dục”, Hân nói.

Nữ sinh diện trang phục dân tộc dự thi năng khiếu ca hát (Ảnh: Ngọc Trang).
Việc lựa chọn vào ngành thể dục thể thao bởi Hân yêu thích thể dục thể thao từ nhỏ, đam mê bóng đá, chơi cầu lông, đá cầu, bóng rổ giỏi.
Hân từng đoạt Huy chương Bạc môn bóng đá, Hội khỏe Phù đổng toàn quốc năm 2024 và Huy chương Vàng môn đá cầu tỉnh Bắc Giang (cũ) năm 2025.
Nữ sinh này đã chắc suất tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng em đăng ký thêm phần thi năng khiếu để cho bản thân thêm một cơ hội.
Theo đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thi năng khiếu nhằm tuyển chọn sinh viên có năng khiếu phù hợp, đáp ứng yêu cầu đầu vào của một số ngành đào tạo đại học chính quy, bao gồm: Giáo dục Mầm non; Giáo dục Mầm non – Sư phạm tiếng Anh; Giáo dục Thể chất; Sư phạm Âm nhạc; Sư phạm Mỹ thuật; góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không sử dụng kết quả thi năng khiếu do trường khác tổ chức để xét tuyển.
Các môn thi năng khiếu để tuyển sinh vào ngành Sư phạm Âm nhạc gồm: Hát và lý thuyết âm nhạc cơ bản, đọc nhạc.

Thí sinh diện áo dài thi ca hát (Ảnh: Ngọc Trang).
Các môn thi năng khiếu để tuyển sinh vào ngành Sư phạm Mỹ thuật gồm: Hình họa và trang trí.
Các môn thi năng khiếu để tuyển sinh vào ngành Giáo dục Thể chất gồm: Bật xa và chạy 100m.
Môn thi năng khiếu để tuyển sinh vào các ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mầm non – Sư phạm tiếng Anh gồm: Hát (bao gồm hát và thẩm âm - tiết tấu); kể chuyện và đọc diễn cảm.
Năm 2025, có 3.202 thí sinh tham dự kỳ thi năng khiếu vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành như sau:

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay dự kiến tuyển gần 5.000 sinh viên vào 50 ngành, chương trình, bằng ba phương thức gồm: Dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thí sinh có thành tích, năng lực vượt trội; dựa vào điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.
Với các ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục mầm non - Sư phạm tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, khi xét bằng điểm thi tốt nghiệp, thí sinh cần thi thêm môn năng khiếu.
Tùy ngành, môn này có thể là hát, kể chuyện, bật xa, chạy 100m, lý thuyết âm nhạc cơ bản, đọc nhạc, hình họa, trang trí...
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/thi-sinh-ca-hat-mac-quan-dui-ao-so-thi-nang-khieu-vao-dh-su-pham-ha-noi-20250705093251702.htm
Bình luận (0)