Hình ảnh mô tả nghiên cứu pin trong phòng thí nghiệm
Thiết bị mỏng hơn, mạnh hơn, thông minh hơn, nhưng thời lượng pin thì… vẫn vậy. Trong khi các nhà sản xuất liên tục khoe đột phá phần cứng, phần mềm thì người dùng vẫn loay hoay với nỗi ám ảnh sạc pin mỗi ngày. Có vẻ chính viên pin nhỏ đang là rào cản lớn nhất của cả ngành công nghệ.
Nỗi lo mang tên sạc pin
Khi các thiết bị ngày càng mỏng nhẹ, nhiều tính năng và luôn kết nối, thì pin, thành phần cung cấp năng lượng, lại gần như không thay đổi. Công nghệ pin lithium-ion hiện tại đã tồn tại hàng thập kỷ, chỉ được cải tiến nhỏ lẻ về mật độ năng lượng và tốc độ sạc.
Trong khi đó, các chip xử lý, màn hình, kết nối không dây, cảm biến AI hay camera cao cấp lại không ngừng nâng cấp, tiêu tốn ngày càng nhiều điện năng.
Chúng ta đang sống giữa một rừng thiết bị đeo thông minh, loa điều khiển bằng giọng nói, camera an ninh, xe điện và robot gia đình. Tuy nhiên, nhiều trong số này vẫn có thời lượng sử dụng hạn chế, buộc người dùng phải sạc liên tục mỗi ngày.
Một số ý tưởng công nghệ đầy triển vọng như kính thông minh hay cảm biến sức khỏe theo dõi 24/7 gặp khó khăn trong việc thương mại hóa vì pin không đủ nhỏ, không đủ bền, hoặc quá chậm khi sạc lại.
Trong lĩnh vực xe điện, pin không chỉ ảnh hưởng đến phạm vi di chuyển, mà còn là yếu tố quyết định giá thành, trọng lượng và độ an toàn. Người dùng vẫn lo ngại nguy cơ cháy nổ, pin chai sau vài năm hoặc mất thời gian hàng giờ để sạc đầy. Những giới hạn đó đang cản trở không ít kế hoạch chuyển đổi xanh và phổ cập phương tiện thông minh.
Vì sao chưa thể vượt rào cản pin?
The tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, pin thể rắn, pin silicon, pin sử dụng vật liệu mới như natri hay graphene đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu.
Một số phòng thí nghiệm tuyên bố có thể tạo ra pin gấp đôi dung lượng, sạc trong vài phút và vẫn an toàn. Tuy nhiên, khi bước ra khỏi phòng thí nghiệm, các công nghệ này phải đối mặt với những thách thức thực tế: giá thành quá cao, khó sản xuất hàng loạt, và đặc biệt là chưa đạt độ ổn định để tích hợp đại trà trong thiết bị tiêu dùng.
Khác với phần mềm hay chip điện tử vốn có thể cải tiến bằng thiết kế và thuật toán thì công nghệ pin là bài toán của vật liệu và hóa học. Điều này đồng nghĩa với chu kỳ phát triển kéo dài hơn, đòi hỏi nhiều thử nghiệm an toàn và đánh giá môi trường khắt khe. Không dễ để thay thế một công nghệ pin đang được sử dụng trên hàng tỉ thiết bị toàn cầu chỉ bằng một ý tưởng mới.
Ngay cả những nỗ lực tối ưu phần mềm để tiết kiệm pin như chế độ tiết kiệm điện, học thói quen người dùng cũng chỉ mang tính tạm thời. Khi thói quen sử dụng thiết bị ngày càng cường độ cao, với yêu cầu xử lý ảnh, video, mạng xã hội, định vị... thì mọi tối ưu cũng không thể cứu vãn được dung lượng pin cố định.
Cảm giác thiết bị hết pin giữa ngày vẫn là điều khiến người dùng khó chịu nhất. Nó cũng làm giảm lòng tin vào chính công nghệ đó. Những tính năng hiện đại, AI tiên tiến hay giao diện mới sẽ không còn ý nghĩa nếu người dùng lúc nào cũng phải lo sạc pin.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thiet-bi-thong-minh-ngay-cang-nhanh-pin-van-cham-20250703105213343.htm
Bình luận (0)