Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thoát nghèo từ phong trào đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thanh niên Bùi Văn Tú, dân tộc Mường, thôn Thạch Cừ, xã Ngọc Trạo đã thành công với mô hình chăn nuôi từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa08/07/2025

Thoát nghèo từ phong trào đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Anh Bùi Văn Tú thành công với mô hình nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cuộc sống khá vất vả, năm 2006 tốt nghiệp THPT, thanh niên Bùi Văn Tú được tuyển vào Trường Đại học Dự bị. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Tú đã tạm gác lại ước mơ của mình. Tú tâm sự: “Thương mẹ vất vả, không muốn làm gánh nặng nên khi vào đại học được gần một năm, tôi đã bỏ dở chương trình về quê để phụ giúp gia đình, chăm lo cho các em. Đến năm 2010, khi kinh tế gia đình ổn định hơn, tôi mới bắt đầu theo học trung cấp và liên thông lên đại học ngành tài chính - kế toán”.

Về quê lập nghiệp, anh tham gia công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được địa phương giao, anh đã vay vốn đầu tư vào hơn 1ha đất để xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp trồng mía, nuôi dê, bò và lợn nái. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên cây trồng, vật nuôi còi cọc không phát triển được. "Có những lần thất bại gần như “cụt” vốn, tôi rút ra được những bài học để làm tốt hơn”, Tú tâm sự.

Năm 2022, Huyện đoàn Thạch Thành (cũ) phối hợp ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi... Qua những lần đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế ở các địa phương khác do Huyện đoàn tổ chức, và được sự hỗ trợ nguồn vốn vay giúp cho thanh niên khởi nghiệp, Tú nhận thấy nuôi dúi có nhiều ưu điểm như sinh sản nhanh, ít bệnh tật, không tốn công chăm sóc. Hơn nữa, thịt dúi thương phẩm bán đắt hàng, ít rủi ro, phù hợp với điều kiện của địa phương, nguồn thức ăn chủ yếu có sẵn như gốc tre, luồng, mía, ngô... Với số vốn đầu tư ban đầu hơn 20 triệu đồng, anh nuôi thử nghiệm 6 cặp dúi bố mẹ. Khi đã nắm vững kỹ thuật, cuối năm 2023 anh mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Từ những cặp dúi ban đầu, đến nay, trang trại của anh đã có 100 con dúi mốc và dúi má đào. Hiện tại anh thường xuyên cung cấp dúi giống với giá dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/1 cặp dúi mốc; 3,5 triệu đồng/1 cặp dúi má đào; dúi thương phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, với giá từ 600 nghìn đến 700 nghìn đồng/1kg. Trừ chi phí, mỗi tháng cho thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng...

Để nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, anh Tú còn trồng măng, mua thêm đất trồng keo... Anh Tú chia sẻ: “Thời gian tới, ngoài việc chăn nuôi, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, trong đó phấn đấu mở rộng diện tích trồng keo, trồng măng cung cấp cho thị trường và cây tỉa để làm nguồn thức ăn chính cho dúi. Việc đầu tư này sẽ tốn nhiều kinh phí, là một khó khăn với tôi, thế nhưng tôi tin rằng, với sự nỗ lực của bản thân, cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ giúp tôi thành công”.

Ngoài ra, với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, anh Tú còn hỗ trợ kỹ thuật và tạo điều kiện cho 13 thanh niên địa phương tham gia phát triển các mô hình chăn nuôi như dúi, dê, gà, ong mật thả rừng... nhằm khai thác tối đa lợi thế địa phương để thúc đẩy kinh tế. Các thành viên trong câu lạc bộ đã đóng góp, thành lập quỹ với số tiền hơn 80 triệu đồng để cho thanh niên vay phát triển kinh tế. Hiện tại, câu lạc bộ đang phát triển 8 mô hình kinh tế, mỗi mô hình cho thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng/năm.

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Thạch Cừ, Bùi Thị Nữ cho biết: Thành công của mô hình chăn nuôi mà thanh niên Bùi Văn Tú thực hiện không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều thanh niên trong thôn.

Bài và ảnh: Minh Khanh

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thoat-ngheo-tu-phong-trao-dong-hanh-cung-thanh-nien-lap-nghiep-254334.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm