Theo đó, nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Theo Nghị quyết, việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt dựa trên nguyên tắc bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính với định mức vượt trội và khoán chi theo nhiệm vụ, hoạt động; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật gắn với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, vị trí việc làm.
Bảo đảm áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt đúng đối tượng, công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật…

Nghị quyết cũng nêu, sẽ xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự.
Quốc hội cũng thống nhất chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Quốc hội cũng quyết định giao cho Chính phủ mức ngân sách bảo đảm chi theo quy định.
Theo đó, Chính phủ phân bổ, giao kịp thời, bảo đảm đủ ngân sách chi; Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ chi tiết đối với các khoản chi Chính phủ chưa phân bổ để bảo đảm kịp thời, đủ ngân sách chi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định danh mục nhiệm vụ, hoạt động và định mức khoán chi cho từng nhiệm vụ, hoạt động đối với nội dung thẩm tra, thông qua văn bản quy phạm pháp luật, thẩm tra, phê chuẩn điều ước quốc tế và gia nhập tổ chức quốc tế. Ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư cho tổ chức nghiên cứu chiến lược, chính sách trong lĩnh vực pháp luật.

Quốc hội cũng thống nhất, người đứng đầu cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ được quyền chủ động quyết định nội dung chi, thay đổi nội dung chi; chịu trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách được giao; bảo đảm việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí tương xứng với mức độ quan trọng, phức tạp của nhiệm vụ và bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Nghị quyết cũng quy định, người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp). Người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật thì được ưu tiên xét tuyển vào các cơ quan xây dựng pháp luật.
Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách thuộc Bộ Tư pháp
Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua cũng quy định có Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật. Quỹ này là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Một trong những mục tiêu của quỹ là hỗ trợ, tài trợ cho dự án, nhiệm vụ, hoạt động không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí nhằm tạo thay đổi đột phá, tích cực, hiệu quả, bền vững về xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, quỹ này được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước bảo đảm minh bạch, công khai, gắn với thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thong-nhat-chi-khong-thap-hon-05-tong-chi-ngan-sach-cho-cong-tac-xay-dung-phap-luat-post795653.html
Bình luận (0)