Ngày 28/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 24, kỳ họp chuyên đề để thực hiện các nội dung theo thẩm quyền. Tại kỳ họp, các đại biểu thống nhất thông qua nghị quyết về đề án sắp xếp các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phạm Thị Phúc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp của tỉnh Lâm Đồng khẩn trương, quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành các đề án sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo quy định.
Đồng chí Phạm Thị Phúc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại kỳ họp.
Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã để mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm chính quyền gần dân, sát dân hướng tới phục vụ tốt nhất người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng tập trung thảo luận, xem xét các tờ trình dự thảo về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn tỉnh; cùng nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến các ngành, lĩnh vực.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham dự kỳ họp.
Kỳ họp biểu quyết thống nhất thông qua hai nghị quyết quan trọng về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đề án sắp xếp các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông; qua đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện trong thời gian tới, góp phần đưa địa phương phát triển toàn diện.
Với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 6.509km2, quy mô dân số hơn 746 nghìn người của tỉnh Đắk Nông; diện tích tự nhiên hơn 7.942km2, dân số hơn 1,5 triệu người của tỉnh Bình Thuận và diện tích tự nhiên hơn 9.781km2, dân số gần 1,6 triệu người của tỉnh Lâm Đồng thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng.
Đại biểu tham dự kỳ họp.
Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, với diện tích tự nhiên hơn 24,2 nghìn km2, dân số hơn 3,87 triệu người. Toàn tỉnh dự kiến có 124 đơn vị hành chính cấp xã. Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới dự kiến được đặt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng thống nhất thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng sắp xếp 137 xã, phường, thị trấn thành 51 đơn vị hành chính cơ sở, gồm 9 phường và 42 xã.
Theo thông tin, tỉnh Đắk Nông cũng đã đưa ra phương án sắp xếp 71 xã, phường, thị trấn còn 28 đơn vị. Tỉnh Bình Thuận sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn thành 45 đơn vị.
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết quan trọng tại kỳ họp.
Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng đã biểu quyết thông qua 14 nghị quyết quan trọng khác, liên quan đến các lĩnh vực tài chính, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và môi trường... tạo cơ sở để địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, đáng chú ý có quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, để xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc đoạn thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng; thực hiện khai thác quặng bauxite thuộc dự án tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng.
Các nghị quyết được Hội đồng nhân tỉnh Lâm Đồng thông qua rất quan trọng và cấp bách. Nhất là các nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh; nghị quyết quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính theo chủ trương, kế hoạch của Trung ương cũng như đẩy nhanh triển khai công trình trọng điểm của tỉnh.
Sau khi sáp nhập tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận, trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng mới dự kiến đặt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Hội đồng nhân tỉnh Lâm Đồng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện các đề án sắp xếp đơn vị hành chính, các thủ tục có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo kế hoạch của Trung ương; tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông thực hiện tốt công tác cán bộ sau sáp nhập; quan tâm đến nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính mới sau sắp xếp và các nội dung liên quan.
Nguồn: https://baodaknong.vn/thong-nhat-thong-qua-nghi-quyet-ve-de-an-sap-xep-cac-tinh-lam-dong-binh-thuan-va-dak-nong-250887.html
Bình luận (0)