Đưa sóng tới vùng sâu
Khu 10, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả nằm cách trung tâm phường chỉ 13km. Thế nhưng, đây lại là khu vùng sâu, vùng xa nhất của phường Mông Duơng và TP Cẩm Phả với 95% dân số là người đồng bào DTTS sinh sống. Trên con đường ngoằn ngoèo từ trung tâm phường vào khu, giữa những cơn mưa cuối mùa xuân, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật của Chi nhánh công trình Viettel Quảng Ninh khu vực Cẩm Phả và Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 10 dẫn đến thăm trạm BTS. Trạm nằm trên đồi cao nên từ tuyến đường trục chính liên khu lên tới trạm BTS phủ kín bởi đất đồi, nhiều đoạn dốc thẳng đứng, phải mất 30 phút đi bộ.
Anh Bàn Dẩu Tình, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 10 chia sẻ: Khu 10 có 180 hộ dân, nằm cách xa trung tâm, điều kiện địa hình phức tạp. Vì vậy, việc lắp đặt trạm BTS không dễ. Nếu đặt bài toán về kinh tế, chắc chắn không cần tính toán đã có ngay kết quả. Tuy nhiên, được sự quan tâm của địa phương và doanh nghiệp viễn thông, với quyết tâm đưa mạng di động đến vùng sâu, vùng xa, miền núi, Viettel Quảng Ninh đã nỗ lực hết sức để xây dựng trạm phát sóng tại khu vực này nhằm phục vụ nhu cầu liên lạc của người dân. Tôi còn nhớ rõ ngày trạm phát sóng chính thức đưa vào hoạt động đó là một ngày giáp Tết Nguyên đán, 25/12/2024 âm lịch bởi đó thực sự là ngày đặc biệt đối với người dân trong khu. Ngay từ khi có thông tin được lắp đặt trạm BTS tại khu, người dân đã vui mừng, phấn khởi, hồ hởi. Nhiều hộ dân trong khu đã đôn đáo cùng đơn vị viễn thông đi tìm điểm để lắp đặt. Nhiều hộ tình nguyện hiến đất rừng để dựng trạm BTS. Nhiều hộ còn không quản khó khăn kéo dây hỗ trợ đơn vị viễn thông. Khi toàn khu đã được phủ sóng điện thoại, tất cả mọi người đều vỡ òa niềm vui. Việc thuận tiện trong liên lạc giúp khoảng cách giữa khu xa nhất của phường Mông Duơng này với những địa phương khác không còn nữa. Sóng 3G, 4G, 5G cũng đã hiện diện tại đây.
Trước đây, bà Bàn Thị Xuân và các con chưa bao giờ nghĩ có sử dụng dễ dàng chiếc điện thoại di động để gọi điện trò chuyện với các con mỗi khi đi rừng mà lại nhìn thấy hình ảnh như đang nói chuyện trực tiếp. Bà Xuân phấn khởi khoe: Từ khi có sóng di động ổn định, tôi đã mua 1 chiếc điện thoại di động thông minh. Nhờ đó, mỗi lần, tôi hay các con đi rừng đều có thể dễ dàng liên lạc với nhau bằng di động hoặc zalo. Từ đó, tôi có thể dễ dàng vừa quán xuyến công việc ở nhà, vừa đi làm để có thêm thu nhập.
Chị Triệu Thị Linh, người hiến đất để xây dựng trạm BTS bày tỏ: Khu 10 là vùng xa trung tâm nhất. Vì vậy, từ khi có chủ trương xây dựng trạm BTS trong khu, tôi cùng người dân trong khu mừng lắm bởi có sóng di động ổn định việc buôn bán, làm ăn, phát triển kinh tế sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy, tôi đã hiến gần 500m2 đất rừng để Viettel Quảng Ninh xây dựng trạm, cột và kéo dây cho trạm BTS đảm bảo phủ sóng thông tin di động cho toàn bộ khu. Từ ngày khu được phủ sóng di động, không chỉ thuận tiện liên lạc, chúng tôi còn dễ dàng xem truyền hình, nắm bắt thông tin, tiếp cận chủ trương của tỉnh và địa phương.
Niềm vui của người dân khu 10 cũng giống như các thôn, khu khác thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới trên địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động. Sóng điện thoại về với vùng cao mang đến ánh sáng văn hóa, xóa dần đi khoảng cách giàu nghèo, nâng cao trình độ dân trí.
Để không còn vùng lõm
Để sớm xoá trắng vùng lõm sóng di động, tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp viễn thông đã tích cực tập trung nguồn lực đầu tư các trạm BTS. Trong đó, tỉnh đã chỉ đạo sát sao các địa phương, sở, ngành, nhanh chóng triển khai và rút ngắn các thủ tục không cần thiết liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thẩm định hồ sơ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm đầu tư, xây dựng các trạm BTS.
Về phía doanh nghiệp, dù biết việc phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo là kinh phí đầu tư lớn, chi phí vận hành tốn kém, hiệu quả kinh tế đem lại không cao nhưng các doanh nghiệp viễn thông vẫn quyết tâm chung tay cùng với tỉnh vì mục tiêu phát triển cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Tính riêng năm 2024, các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư xây dựng 7 trạm BTS phủ sóng cho 7 thôn để mở rộng kết nối, xóa vùng “lõm" sóng di động, đưa Internet và các dịch vụ viễn thông hiện đại đến với người dân vùng sâu, vùng xa. Có thể kể đến như: Đội 7, 8 thôn Linh Tràng, xã Tràng Lương, TP Đông Triều, bản Cấu Phùng, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà; thôn Tân Ốc 1, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long…
Hạ tầng mạng lưới viễn thông của tỉnh tiếp tục được đầu tư, mở rộng, với tốc độ cao, băng thông rộng và đảm bảo phủ sóng 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng viễn thông đáp ứng tốt các nhu cầu thiết yếu, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành và sử dụng các ứng dụng của chính quyền điện tử, công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, đồng thời giúp người dân trên địa bàn cũng dễ dàng tiếp cận thông tin hơn. Hạ tầng mạng viễn thông băng rộng cố định được triển khai trải rộng khắp đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn có internet băng rộng cố định.
Tổng số trạm BTS trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 5.078 trạm, tương ứng với 3.243 vị trí trạm. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G đạt 100%. Các trạm BTS đã được các doanh nghiệp viễn thông di động tích cực trong việc chia sẻ dùng chung tại một số vị trí nhà trạm, sử dụng cột anten không cồng kềnh hoặc ngụy trang, thân thiện môi trường đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị.
“Hầu hết các khu vực còn “lõm” sóng di động là khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, địa hình phức tạp nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sóng di động. Tuy nhiên, việc đầu tư sóng di động vào những vùng này có ý nghĩa rất lớn, tạo nền tảng, sự đột phá mới, người dân sẽ thay đổi tư duy, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống. Do đó, năm 2024, chúng tôi đã đầu tư 158 vị trí trạm BTS tại các khu vực này. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm 327 vị trí trạm BTS để phủ toàn bộ vùng lõm, đảm bảo thông tin liên lạc, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân”, anh Dư Thanh Hoài, Phó Giám đốc Chi nhánh công trình Viettel Quảng Ninh cho biết.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/thu-hep-khoang-cach-thong-tin-giua-cac-vung-mien-3353329.html
Bình luận (0)