Ngày 20-5, tại TPHCM, Pharma Group phối hợp với KPMG và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thông qua thử nghiệm lâm sàng” .
Theo các chuyên gia, gần đây Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm thúc đẩy đầu tư và đổi mới chính sách trong lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng. Trước đó, ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, nêu rõ cam kết nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong nước và dành 2% GDP cho nghiên cứu và phát triển. Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nghiên cứu lâm sàng. Cơ cấu dân số đa dạng ở Việt Nam rất phù hợp để nghiên cứu các bệnh lý phức tạp như ung thư, rối loạn tim mạch, bệnh truyền nhiễm và tình trạng bệnh chuyển hóa…
Tuy nhiên, việc thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Để Việt Nam trở thành điểm đến thử nghiệm lâm sàng hàng đầu trong khu vực, các chuyên gia khuyến nghị cần tập trung vào đổi mới quy định, đơn giản hóa cơ chế phê duyệt và tăng cường ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, để củng cố các nghiên cứu chuyên sâu, Việt Nam cũng cần mở rộng mạng lưới các cơ sở có chứng nhận Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP) và phát triển các Đơn vị thử nghiệm lâm sàng (CTU).
Đặc biệt, khuyến nghị thành lập một Trung tâm xuất sắc (CoE) Quốc gia để đóng vai trò nền tảng kết nối bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, là trung tâm đào tạo cho các nhà nghiên cứu lâm sàng, tăng tốc quá trình phê duyệt thử nghiệm và thúc đẩy hợp tác toàn cầu – từ đó định vị Việt Nam là một điểm đến cạnh tranh trong lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng.

GS Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng Việt Nam có thể nâng cao đáng kể năng lực thử nghiệm lâm sàng của mình bằng cách áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất.
"Thông qua việc đơn giản hóa các quy trình quản lý, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tiên tiến và thúc đẩy các quan hệ đối tác năng động giữa khu vực công và tư nhân, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về hiệu quả thử nghiệm và độ tin cậy của dữ liệu. Sự điều chỉnh chiến lược này không chỉ thúc đẩy đổi mới trong nghiên cứu điều trị mà còn định vị Việt Nam trở thành trung tâm khu vực cho các phương pháp điều trị tiên tiến cứu sống con người", GS Guy Thwaites nhấn mạnh.
Dịp này, Pharma Group phối hợp với KPMG và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) ra mắt ấn phẩm "Lộ trình tương lai của thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam".

Ấn phẩm phân tích toàn diện về hiện trạng nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam, đưa ra các chiến lược khả thi nhằm đưa Việt Nam trở thành một trong ba điểm đến hàng đầu về thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu, phát triển tại ASEAN vào năm 2030, thông qua xác định các cơ hội, rào cản và hành động cần thiết để khai mở tiềm năng nghiên cứu lâm sàng nhằm tạo ra tác động về kinh tế và sức khỏe.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thu-nghiem-lam-sang-o-viet-nam-gap-nhieu-kho-khan-post796059.html
Bình luận (0)