Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen sẽ thăm Greenland vào tuần sau, chỉ vài ngày sau chuyến đi của Phó tổng thống Mỹ JD Vance và sự kiện thành lập liên minh cầm quyền mới tại vùng lãnh thổ tự trị này.
Trong thông báo phát đi ngày 29.3, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết chuyến thăm nhằm "củng cố mối quan hệ với Greenland" và tăng cường hợp tác giữa hai bên, theo tờ Politico. "Tôi mong tiếp tục mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và tin cậy giữa Greenland và Đan Mạch", bà nói.
Phó tướng của ông Trump chê Đan Mạch không bảo vệ được Greenland trước Nga, Trung Quốc
Trước đó, Greenland đã công bố liên minh cầm quyền mới vào ngày 28.3, bao gồm đảng Dân chủ Greenland và các đảng khác. Thủ lĩnh liên minh Jens-Frederik Nielsen nhấn mạnh đây là động thái thể hiện sự đoàn kết, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng sức ép nhằm sáp nhập Greenland vào lãnh thổ Mỹ.
Trong khi bà Frederiksen sẽ gặp ông Nielsen và người dân Greenland, Phó tổng thống Mỹ JD Vance không được chính quyền Greenland mời và cũng không gặp gỡ người dân trong chuyến thăm của ông hôm 28.3. Thay vào đó, ông đến căn cứ không gian Pituffik của Mỹ tại Greenland và kêu gọi lãnh thổ này "đạt được một thỏa thuận" với Washington.
Chim hải âu bay trên thủ phủ Nuuk của Greenland ngày 29.3
Tổng thống Trump đã nhiều lần nhấn mạnh tham vọng đưa Greenland vào lãnh thổ Mỹ, coi đây là ưu tiên an ninh quốc gia. Ông tuyên bố tại Nhà Trắng hôm 28.3 rằng "chúng ta phải có" Greenland để đảm bảo vị thế của Mỹ ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, ông Vance lại đưa ra lập trường mềm mỏng hơn, khẳng định Mỹ tôn trọng quyền tự quyết của Greenland. "Chúng tôi tin rằng Greenland sẽ tự quyết định tách khỏi Đan Mạch, và khi đó Mỹ sẽ thảo luận với người dân Greenland", ông nói.
Chuyến thăm của ông Vance đã gây phản ứng mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen. Ông chỉ trích chuyến đi này là thiếu tôn trọng và không phù hợp với quan hệ đồng minh. "Đây không phải cách nói chuyện với một đồng minh thân cận", Ngoại trưởng Rasmussen tuyên bố.
Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận Đan Mạch có thể cần tăng cường hiện diện quân sự tại Greenland để đối phó với các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thu-tuong-dan-mach-toi-greenland-sau-chuyen-di-cua-pho-tong-thong-my-185250330065057487.htm
Bình luận (0)