Các sản phẩm địa phương được rao bán trên các sàn thuơng mại điện tử. Ảnh: Bảo Phước

Kết nối từ dữ liệu đến thị trường

Trong giai đoạn chuyển đổi số đang bước vào chiều sâu, việc đưa sản phẩm KH&CN lên môi trường số không còn đơn thuần là thao tác kỹ thuật, mà đã trở thành một giải pháp chiến lược nhằm phát triển kinh tế số cấp địa phương - nơi dữ liệu, công nghệ và thị trường được kết nối theo thời gian thực.

Nền tảng HueEcom, do Sở KH&CN triển khai, đang giữ vai trò cầu nối quan trọng giữa sàn thương mại điện tử - nhà cung cấp - người tiêu dùng. Được tích hợp lên Hue-S, nền tảng này cho phép cá nhân, tổ chức mở gian hàng và kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada..., đặc biệt ưu tiên sản phẩm đặc sản và sản phẩm KH&CN có nguồn gốc từ Huế. Tính đến nay, 1.329 sản phẩm đã được cập nhật lên hệ thống, trong đó 839 sản phẩm đang được giao dịch thường xuyên.

Ông Phạm Đình Quý Thích, chủ cơ sở sản xuất rượu sim Huế bày tỏ: “Từ khi biết đến HueEcom, tôi thấy đây là một kênh thương mại tiềm năng, rất phù hợp để quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Huế. Với tính chuyên nghiệp và khả năng tiếp cận rộng, HueEcom giúp chúng tôi tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn. Tôi sẽ sớm đăng ký kinh doanh trên nền tảng này”.

Không dừng lại ở nền tảng thương mại, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã xây dựng Chuyên trang sản phẩm KH&CN tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Sở, vừa là công cụ số hóa, chuẩn hóa dữ liệu, vừa là kênh truyền thông minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nhà khoa học tiếp cận thị trường một cách thực chất. Việc duy trì truyền thông định kỳ mỗi tuần cho từng sản phẩm không chỉ nhằm quảng bá mà còn là cam kết đồng hành rõ nét của thành phố với cộng đồng KH&CN.

Bà Hoàng Thị Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia chia sẻ: “Chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ đồng hồ, toàn bộ quy trình hỗ trợ từ rà soát, đánh giá hồ sơ đến truyền thông sản phẩm đã được triển khai bài bản, chuyên nghiệp. Chúng tôi thực sự cảm kích trước sự đồng hành đầy trách nhiệm từ phía Sở”.

Chuyên trang sản phẩm KH&CN còn tạo ra nguồn dữ liệu liên thông, công khai, minh bạch, góp phần mở rộng thị trường cho các kết quả nghiên cứu, sản phẩm đổi mới sáng tạo của địa phương. Mô hình này vận hành theo đúng tinh thần “3 nhà”: Nhà nước làm cầu nối, nhà khoa học cung cấp tri thức, DN là trung tâm hưởng lợi, góp phần hình thành hệ sinh thái KH&CN hiện đại, minh bạch, giàu tính liên kết.

Nâng cao năng lực số toàn dân qua kỹ năng và tiện ích số

Trong tiến trình xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh, thành phố chú trọng nâng cao năng lực số cộng đồng để mỗi người dân không chỉ là người thụ hưởng mà là chủ thể làm chủ môi trường số.

Với vai trò dẫn dắt, Sở KH&CN đã tổ chức đào tạo kỹ năng số cho gần 600 cán bộ, công chức, viên chức và phổ cập kiến thức cho hơn 1.105 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại 141 phường, xã. Cùng với đó, hệ thống học trực tuyến trên nền tảng Hue-S đã trở thành công cụ đào tạo chủ lực, với 16 clip bài giảng cơ bản về sử dụng chữ ký số, định danh điện tử, thanh toán không tiền mặt, an toàn mạng... thu hút hơn 95.000 học viên và gần 700.000 lượt học.

Bên cạnh phổ cập cơ bản, các chương trình đào tạo chuyên sâu như qua nền tảng Mobiedu.vn hay khóa học về an toàn không gian số trên dean06.daotao.ai tiếp tục mở rộng chiều sâu tiếp cận. Đây không chỉ là hành động chuyên môn, mà là một chiến lược tiếp cận đa tầng, đưa kỹ năng số vào cộng đồng theo lộ trình bài bản và bền vững.

Trên nền tảng Hue-S, hệ sinh thái dịch vụ số đang ngày càng mở rộng theo hướng “một chạm”: từ thanh toán điện, nước, viện phí, học phí, đến truy xuất hồ sơ, phản ánh hiện trường, tương tác với cơ quan quản lý nhà nước... Tính đến nay, thành phố đã có hơn 77.877 tài khoản ví FPT và gần 173.000 tài khoản Viettel Money hoạt động trên Hue-S, với 694 điểm chấp nhận thanh toán phủ khắp địa bàn. Riêng lĩnh vực giáo dục, đã có 189 trường triển khai thu học phí qua Hue-S với tổng giá trị giao dịch vượt 23 tỷ đồng.

Theo Sở KH&CN, trên nền tảng dữ liệu số vững chắc đã được xây dựng, thành phố đã và đang triển khai một loạt các dịch vụ đô thị thông minh toàn diện, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho người dân, DN, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước một cách rõ rệt. Những dịch vụ này không chỉ là những ứng dụng công nghệ đơn thuần mà còn là biểu hiện sống động của một chính quyền kiến tạo, luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Từ học tập đến giao dịch, từ kỹ năng số đến tiêu dùng thông minh, người dân Huế đang từng bước trở thành chủ thể trong hành trình số hóa. Đây là minh chứng rõ nét cho chiến lược phát triển năng lực số từ cơ sở - nơi con người được đặt vào trung tâm, công nghệ là công cụ và môi trường số là không gian sống thực tế. Khi tiêu dùng số trở thành thói quen, kinh tế số sẽ trở thành nền tảng.

Đinh Văn

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/thuc-day-tieu-dung-tren-moi-truong-so-155431.html