Anh T. đã tự mua thuốc uống (không rõ loại) nhưng tình trạng không cải thiện. Lo ngại bệnh tình có thể diễn tiến nặng, người nhà nhanh chóng đưa anh đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An để thăm khám.
Ngày 5.4, bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Minh Hiếu - Trưởng khoa Nội Soi Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An cho biết, sau khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ tiến hành nội soi đại trực tràng. Kết quả quan sát phát hiện có ký sinh trùng màu trắng, nhiều đốt đang trú ngụ trong hồi tràng.
Con sán dây dài 1 mét được lấy ra khỏi người bệnh nhân
ẢNH: BSCC
Các bác sĩ tiến hành kéo con sán ra. Tuy nhiên, phần đầu sán bám rất chắc khiến việc loại bỏ gặp nhiều khó khăn. Sau khi kéo được một đoạn, thân sán bị đứt. Tuy nhiên, các bác sĩ kiên trì thực hiện từng thao tác khéo léo để lấy toàn bộ phần còn lại ra ngoài. Kết quả, con sán dài gần 1 mét đã được lấy ra thành công.
Sau thủ thuật, người bệnh được các bác sĩ cấp toa thuốc và tư vấn chế độ ăn uống, cách phòng tránh tái nhiễm sán dây.
Con đường lây nhiễm sán dây
Theo bác sĩ Hiếu, sán dây (hay còn gọi là sán dải) là loại ký sinh trùng có thân dẹp, dài, màu trắng đục và bao gồm nhiều đốt nối tiếp nhau. Khi vào cơ thể, chúng bám vào thành ruột, hút chất dinh dưỡng từ vật chủ, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy kéo dài, sụt cân...
Con đường lây nhiễm chủ yếu của sán dây là qua thực phẩm chưa được nấu chín kỹ, đặc biệt là thịt bò, lợn, cá hoặc gỏi sống có chứa trứng hoặc ấu trùng sán. Khi vào cơ thể, trứng sán sẽ nở thành ấu trùng và phát triển thành sán trưởng thành trong ruột non. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sán dây có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Khuyến cáo phòng tránh nguy cơ nhiễm sán dây
Để phòng tránh nguy cơ nhiễm sán dây, bác sĩ Hiếu khuyến cáo người dân:
Ăn chín, uống sôi: Hạn chế ăn các món tái, sống, đặc biệt là thịt bò, lợn, cá chưa nấu chín kỹ.
Rửa tay sạch sẽ: Sử dụng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với vật nuôi. Sử dụng xà phòng và nước sạch, chà xát tất cả các mặt của bàn tay, rửa sạch tay dưới vòi nước chảy và lau khô bằng khăn sạch hoặc máy sấy tay.
Xử lý phân đúng cách: Không để phân người hoặc động vật tiếp xúc với nguồn nước hoặc đất trồng trọt.
Vệ sinh môi trường sống: Giữ gìn nhà cửa, khu vực bếp núc sạch sẽ, khử trùng các bề mặt thường xuyên.
Tẩy giun định kỳ: Theo khuyến cáo của bác sĩ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao hoặc thường xuyên tiếp xúc với nguồn thực phẩm tươi sống, nên tẩy giun định kỳ.
Thăm khám kịp thời: Khi có các dấu hiệu như đau bụng kéo dài, tiêu chảy, sụt cân không rõ nguyên nhân, hoặc phát hiện đốt sán trong phân, cần đến bệnh viện để kiểm tra ngay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thuong-xuyen-an-mon-tai-nam-thanh-nien-bi-san-chui-qua-hau-mon-trong-luc-ngu-185250405150708085.htm
Bình luận (0)