Kết nối với cộng đồng toàn cầu từ lý do thân thuộc
Tiến sĩ Hoàng Anh Đức, nghiên cứu viên tại Đại học RMIT Việt Nam, Tổng giám đốc Hệ thống giáo dục Sky-Line chia sẻ: "Vào năm 2018, khi gia đình nhỏ của tôi chào đón con gái đầu lòng, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về quá khứ và tương lai. Câu hỏi lớn nhất đối với tôi là thế giới tương lai sẽ được chuẩn bị như thế nào cho con cái chúng ta?”
Với anh, câu trả lời không phải là chuẩn bị như thế nào để con gái mình vào được ngôi trường tốt nhất mà là phải xây dựng được một xã hội tốt để con và bạn bè cùng trang lứa có thể trưởng thành.
Chính lý do này đã giúp anh khởi phát ý tưởng xây dựng một số dự án giáo dục hỗ trợ giáo viên bậc mầm non đến trung học phổ thông, những người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các thế hệ tương lai.
Mỗi thành viên trong Viện Hàn lâm có nhiệm kỳ 5 năm, tham gia vào các hoạt động phát triển chính sách khoa học quốc tế, hỗ trợ giáo dục khoa học toàn cầu và thúc đẩy sự nghiệp của các nhà khoa học trẻ. (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy - GYA). |
Trong nhiệm kỳ tại Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (2025-2030), anh sẽ tập trung vào hai sáng kiến cụ thể, bao gồm: Chương trình cố vấn cho nhiều đối tượng học viên trẻ (các cấp học, sau đại học cùng các nghiên cứu viên trẻ) và thúc đẩy các chính sách và thực hành về khoa học mở.
Chia sẻ về sự kiện này, Tiến sĩ Hoàng Anh Đức, cho biết: "Đây không chỉ là thành tựu cá nhân mà còn là bước ngoặt mở ra một hành trình học hỏi mới. Là người Việt Nam thứ năm tham gia mạng lưới này, tôi có cơ hội kết nối và chia sẻ tri thức với cộng đồng khoa học trẻ toàn cầu".
Mục tiêu của GYA là tạo ra một tiếng nói chung của các nhà khoa học trẻ, thúc đẩy chính sách phát triển bền vững toàn cầu.
Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy - GYA) được thành lập vào năm 2010, quy tụ những nhà khoa học dưới 40 tuổi có thành tích xuất sắc từ các quốc gia trên thế giới.
Các đại diện Việt Nam tham gia Global Young Academy:
PGS, TS Ngô Văn Thanh (2010); PGS, TS Trần Quang Huy (2017); GS, TS Trần Xuân Bách (2018); TS Nguyễn Thị Phương Thảo (2024) và TS Hoàng Anh Đức (2025).
Tiến sĩ Hoàng Anh Đức hợp tác với Đại học RMIT Việt Nam và Khoa Giáo dục của Đại học RMIT Australia để thúc đẩy các hoạt động giảng dạy và học tập tại các trường phổ thông trên khắp Việt Nam và Đông Nam Á.
Chương trình đi sâu vào xây dựng, triển khai chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý giáo dục, nhằm nâng cao năng lực cho các nhà quản lý và thực hành giáo dục tại Đông Nam Á.
Trang mới cho phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam
Tiến sĩ Hoàng Anh Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học mở, kêu gọi việc thúc đẩy các chính sách và thực hành mở trong nghiên cứu khoa học.
Thời đại của những nhà khoa học đơn độc làm việc trong phòng thí nghiệm khép kín đã dần qua đi. Khoa học hiện đại đòi hỏi tính mở đa chiều, từ chia sẻ dữ liệu, phương pháp nghiên cứu đến kết quả nghiên cứu minh bạch và dễ tiếp cận.Tiến sĩ Hoàng Anh Đức
Anh chia sẻ, "Tôi muốn gửi đến các nhà khoa học trẻ Việt Nam là Hãy mạnh dạn chia sẻ, kết nối và cộng tác. Thời đại của những nhà khoa học đơn độc làm việc trong phòng thí nghiệm khép kín đã dần qua đi. Khoa học hiện đại đòi hỏi tính mở đa chiều, từ chia sẻ dữ liệu, phương pháp nghiên cứu đến kết quả nghiên cứu minh bạch và dễ tiếp cận".
Anh tin rằng việc chia sẻ dữ liệu, phương pháp và kết quả nghiên cứu minh bạch sẽ tạo ra tác động lớn, góp phần giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trong phong trào khoa học mở tại khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt là gần đây, cơ chế, chính sách khoa học và công nghệ tại Việt Nam cùng sự ra đời của Nghị quyết 57 sẽ là bước tiến tích cực để giúp cộng đồng khoa học Việt có thêm không gian và cơ hội mới để phát triển, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.
Việt Nam hướng đến xây dựng hệ sinh thái toàn diện, nơi chính sách hỗ trợ vùng với sự tự chủ trong phát triển khoa học và mạng lưới kết nối quốc tế sẽ là hướng đi phù hợp cho phát triển khoa học. |
Để thực sự khơi dậy sức sáng tạo, chúng ta cần nhìn nhận một hành trình dài hạn, không chỉ dừng lại ở việc ban hành chính sách. Những thay đổi này cần được cụ thể hóa thành các cơ chế thực thi minh bạch, hiệu quả, và nhất quán.
Khoa học mở không chỉ giúp tăng tốc quá trình phát triển tri thức mà còn xây dựng niềm tin của công chúng vào khoa học, đặc biệt trong bối cảnh thông tin giả tràn lan như hiện nay.
Đối với các nhà khoa học trẻ, việc áp dụng nguyên tắc khoa học mở ngay từ đầu sự nghiệp sẽ mở ra cơ hội kết nối với cộng đồng toàn cầu, nhận được phản hồi đa chiều, và tạo tác động rộng lớn hơn cho công trình nghiên cứu của mình.
Nguồn: https://nhandan.vn/tien-si-nguoi-viet-tham-gia-vien-han-lam-khoa-hoc-tre-toan-cau-post869227.html
Bình luận (0)