Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiếng trống lân vang vọng tình yêu văn hóa dân gian

Sau 8 năm thành lập, câu lạc bộ (CLB) lân - sư - rồng Kim Ngân (xã An Biên) trở thành nơi nuôi dưỡng đam mê, tập hợp thanh, thiếu niên sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện thể chất và gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian.

Báo An GiangBáo An Giang07/07/2025

Chiều nhạt nắng, sân vận động xã An Biên rộn rã tiếng trống “tùng… chát! chát! chát!... tùng…”. Người dân ở đây quen thuộc với âm thanh rộn ràng này, chỉ cần nghe là biết CLB lân - sư - rồng Kim Ngân đang tập luyện. CLB được thành lập năm 2017 với hơn 30 thành viên, phần lớn là thanh, thiếu niên trong xã An Biên, trong đó có em chỉ 13 - 14 tuổi, có em là nữ.

Chủ nhiệm CLB là anh Trần Minh Tiến, ngụ xã An Biên có hơn 15 năm gắn bó với múa lân. Anh Tiến kể, khi còn là học sinh, mỗi khi Tết Trung thu hay dịp Tết Nguyên đán, anh say mê dõi theo từng cú bật, cú xoay của con lân, con rồng, mê tiếng trống dồn dập, rộn ràng. Từ niềm say mê ấy, anh tìm hiểu về múa lân trên Internet và học những bậc đàn anh lão luyện trong nghề. Theo anh Tiến, múa lân không chỉ để biểu diễn cho đẹp, mà phải có hồn, lúc thì hoan hỷ, lúc dữ dội, lúc lại linh thiêng. Để có được những màn trình diễn hay, mọi người phải tập luyện rất vất vả.

Từ 16 giờ 30 - 18 giờ 30 mỗi ngày, Sân Vận động xã An Biên rộn ràng tiếng trống xen lẫn tiếng hô nhịp đều đặn của các thành viên trong đội. Người biết dạy người mới, từng động tác cơ bản được truyền nhau. Từ đánh trống cái, thanh la, đánh lố đến kỹ thuật hình thể như: Leo đùi, leo vai, leo đầu, ngồi lân, trụ lân... đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, sức khỏe, thăng bằng và độ dẻo dai. Ngoài ra, các thành viên còn học cách thể hiện thần thái qua từng động tác như “hí lân” mô phỏng sự vui mừng, nghịch ngợm; “há lân” khi lân mở miệng chào người tặng lộc…

Thành viên Câu lạc bộ lân - sư - rồng Kim Ngân tập đánh trống

Không khí luyện tập nghiêm túc và đầy nhiệt huyết của các thành viên CLB thu hút nhiều bạn trẻ đến với bộ môn lân - sư - rồng. Em Đinh Minh Sang, 15 tuổi, học sinh Trường THCS An Biên là một trong những “đầu lân” tiềm năng của đội. Sang kể: “Sau Tết Nguyên đán năm 2024, em xin vào đội. Em bắt đầu luyện tập kỹ thuật leo đùi, lắc đầu lân, cảm giác vừa hồi hộp, vừa phấn khích. Em mê lắm, nghe tiếng trống là em muốn ra sân liền”.

Còn em Nguyễn Huỳnh Ngọc Trâm, học sinh lớp 8, Trường THCS thị trấn Thứ Ba 2 là một trong những thành viên nữ hiếm hoi của đội. “Em biết đến đội sau lần được xem biểu diễn ở trường, nên xin tham gia. Được các anh chị hướng dẫn tận tình, em thấy thú vị và yêu thích múa lân hơn. Sau hơn 5 tháng gắn bó, em đã làm quen với các kỹ thuật cơ bản và đang học đánh lố. Nhờ múa lân, em thấy mình mạnh dạn, dẻo dai hơn và hiểu thêm nhiều điều về văn hóa dân gian của dân tộc” - Trâm nhớ lại.

Mỗi dịp lễ hội lớn như rằm tháng Giêng, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hay các ngày hội truyền thống của địa phương, đội lân - sư - rồng Kim Ngân đều được mời biểu diễn. Nhờ kỹ thuật điêu luyện và biểu diễn nhiệt tình, đội không chỉ phục vụ trong huyện, mà còn được mời biểu diễn ở nhiều nơi thuộc các tỉnh lân cận như Cà Mau, Bạc Liêu... Anh Tiến cho biết: “Đội thường được mời múa lân vào dịp khai trương, khai giảng, khởi công, cưới hỏi, lễ, Tết. Có hôm, anh em phải thức từ 2 giờ để chuẩn bị trống, đầu lân, phục trang rồi di chuyển cho kịp giờ biểu diễn”.

Tiền công cho mỗi lần biểu diễn được gọi là lộc. Đội dùng khoản này để mua dụng cụ, phục trang, bảo dưỡng trống và đầu lân; còn lại chia đều cho các thành viên. “Chúng tôi gắn bó với lân - sư - rồng không phải để làm giàu, mà vì đam mê, niềm vui, tinh thần đồng đội và hơn hết là tình yêu với văn hóa dân gian” - anh Tiến nói.

BẢO TRÂN

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/tieng-trong-lan-vang-vong-tinh-yeu-van-hoa-dan-gian-a423901.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm