Vở diễn Người con của rừng tràm được đoàn dàn dựng mới, tham gia
Hồi ức hoàng kim
Nam Bộ vốn là quê hương của nghệ thuật cải lương. Ở đó, ai cũng ít nhiều được nghe, thậm chí hát vài bài tân cổ giao duyên hay “lên” được câu vọng cổ. Tây Ninh cũng vậy, Đoàn Cải lương tập thể (CLTT) Long An I chính thức ra đời vào năm 1977 với tiền thân là Đoàn Tiếng Ca Trung Hiếu của Bộ Nội vụ nhưng từ trong kháng chiến, các vở ca kịch cải lương, ca cổ với nội dung đả kích, châm biếm chế độ cũ, giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc luôn được người dân đón nhận.
Sau khi đất nước thống nhất, hoạt động nghệ thuật dần được sắp xếp lại, Đoàn CLTT Long An I là 1 trong những đoàn cải lương nổi bật ở Nam Bộ lúc bấy giờ, có cơ sở vật chất và trang thiết bị khá quy mô, có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tài danh lúc bấy giờ.
Song song đó, thời điểm ấy, các đoàn cải lương tư nhân cũng được sắp xếp lại. Đoàn Cải lương Tân Dạ Lý sáp nhập cùng Đoàn Cải lương Vàm Cỏ hình thành Đoàn CLTT Long An II và cũng hoạt động khá mạnh. Sau khi sáp nhập thành Đoàn CLTT Long An II và đặt dưới sự quản lý của Ty Văn hóa - Thông tin lúc bấy giờ, trình độ chính trị và nghệ thuật của Đoàn được nâng lên rõ nét, được khán giả trong và ngoài tỉnh mến mộ (Địa chí Long An 496).
Đến năm 1989, Đoàn CLTT Long An I và Đoàn CLTT Long An II sáp nhập thành Đoàn Cải lương quốc doanh Long An, sau đổi tên thành Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An (tiền thân Đoàn Nghệ thuật Cải lương Vàm Cỏ) và vẫn hoạt động độc lập, biểu diễn có doanh thu trong và ngoài tỉnh và được khán giả đón nhận.
Nhắc về thời kỳ vàng son của cải lương tỉnh nhà thời điểm đó, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đoàn Dự kể: “Thời điểm Đoàn còn biểu diễn bán vé, được khán giả cả nước đón nhận và chủ yếu hoạt động ngoài tỉnh, diễn trong các sân khấu lớn, rạp hát từ Nam ra Bắc. Lúc đó, Đoàn vẫn dựng song song các vở ca ngợi truyền thống lẫn các vở cổ trang thiên về nghệ thuật và giải trí để tạo sự hài hòa. Các vở mới dựng của Đoàn hầu như đều có sự góp mặt của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Huỳnh Nga và NSND Trần Ngọc Giàu tham gia dàn dựng. Lúc đó, phong trào sáng tác kịch bản trong tỉnh phát triển nên nhiều vở diễn nổi bật của Đoàn được dựng từ kịch bản của các soạn giả trong tỉnh”.
“Chuyển mình” để phục vụ
Bước qua giai đoạn hoàng kim của cải lương, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An bước vào cơ chế hoạt động mới là biểu diễn phục vụ cho người dân vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Thời điểm đó, Đoàn chuyển từ biểu diễn trên những sân khấu lớn sang sân khấu mang tính “dã chiến”, dựng trên các bãi đất trống ở các xã vùng sâu, biên giới với điều kiện hết sức khó khăn, vất vả. Với lòng yêu nghề, các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn vẫn giữ tinh thần lạc quan, hết lòng phục vụ.
Nhớ về những chuyến lưu diễn vùng sâu mấy mươi năm trước, NSƯT Vương Tuấn bồi hồi kể: “Trước đây đi lưu diễn vất vả lắm vì đường sá xa xôi, nhiều khi phải ở lại mấy ngày, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn đủ điều, nhất là cho các nữ nghệ sĩ. Nhưng thời điểm đó rất vui, khán giả rất yêu quý nghệ sĩ. Suất diễn nào cũng đông kín khán giả đến xem dù sân khấu, chỗ ngồi đều hạn chế. Chúng tôi được người dân yêu mến, được mời về nhà, thưởng thức đặc sản dân dã”.
Vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An vừa tập trung tuyển chọn, đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế thừa, xây dựng các vở diễn chất lượng cao, tham gia các hội thi, hội diễn dành cho cải lương chuyên nghiệp và đoạt nhiều giải thưởng cho cả diễn viên và vở diễn.
Cùng với xu thế phát triển chung của nước nhà, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Vàm Cỏ có bước “chuyển mình” để chuẩn bị cho hành trình mới, nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít khó khăn. Không gian được mở rộng, hoạt động biểu diễn phục vụ nhiều hơn, tạo cho các nghệ sĩ nhiều cơ hội đứng trên sân khấu; nhưng song song đó cũng sẽ có không ít khó khăn trong công tác hậu cần, di chuyển.
NSND, Thạc sĩ Hồ Ngọc Trinh - Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Vàm Cỏ, cho biết, từ đây đến cuối năm, Đoàn sẽ tập trung vào hoạt động biểu diễn phục vụ người dân trong tỉnh, đặc biệt chú trọng các khu vực vùng sâu, biên giới, các địa phương vừa mới sáp nhập. Bên cạnh đó, Đoàn sẽ dựng thêm vở mới để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới.
“Song song với khó khăn là cơ hội, đội ngũ nghệ sĩ của Đoàn nhất định cùng nhau khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình; nâng cao chất lượng biểu diễn, tuyển chọn, bồi dưỡng lực lượng kế thừa, nhất là từ những gương mặt trẻ tài năng đến từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ” - NSND, Thạc sĩ Hồ Ngọc Trinh khẳng định.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Vàm Cỏ có sự góp mặt của nhiều chuông vàng, chuông bạc như NSND Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Ngọc Đợi, nghệ sĩ Lê Diệu Hiền, nghệ sĩ Lê Hoàng Nghi, nghệ sĩ Phú Yên,...
Trải qua bao biến động, các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Cải lương Vàm Cỏ vẫn vẹn nguyên ngọn lửa đam mê, bền bỉ giữ gìn và làm mới hồn cải lương trên đất Tây Ninh./.
Khi tỉnh Tây Ninh mới được thành lập, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An cũng được đổi tên thành Đoàn Nghệ thuật Cải lương Vàm Cỏ. Dòng sông Vàm Cỏ Đông là dòng sông kết nối của tỉnh nhà và trước đây, tỉnh cũng từng có đoàn cải lương mang tên Vàm Cỏ được sáp nhập để hình thành đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An. Tên gọi Vàm Cỏ vừa gợi đến hình ảnh đặc trưng của Tây Ninh là dòng Vàm Cỏ Đông, vừa như nhắc nhở về một phần tiền thân của đoàn trước đây, góp phần giữ gìn thương hiệu nghệ thuật mà bao thế hệ nghệ sĩ của đoàn đã gầy dựng từ trước tới nay”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc |
Quế Lâm
Nguồn: https://baolongan.vn/tiep-lua-cai-luong-tu-doi-bo-vam-co-a198972.html
Bình luận (0)