Hội hầu văn thánh tại Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội năm 2025.
Diễn ra ngay dưới chân đền Độc Cước, Lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước (ngày 16/2 âm lịch) và Lễ hội bánh chưng - bánh giầy (ngày 12/5 âm lịch) là nét đẹp văn hóa đặc sắc lâu đời của người dân phố biển Sầm Sơn. Trong không khí tưng bừng của phần hội, các tiết mục văn nghệ đặc sắc của các tổ, đội văn nghệ quần chúng trở nên “thăng hoa” giữa tiếng hò reo, cổ vũ của Nhân dân và du khách. Các trích đoạn chèo cổ, tuồng, hát múa dân gian... không chỉ trình diễn để phục vụ người xem, mà còn như một cách kể lại câu chuyện về mảnh đất, con người và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người dân địa phương. Mỗi tiết mục mang đến lễ hội năm nay đều được các đội văn nghệ đầu tư, dàn dựng hết sức công phu, tạo không khí tươi vui, để lại ấn tượng cho người xem. Chị Lê Thị Phương, thành viên đội văn nghệ phường Sầm Sơn chia sẻ: “Mỗi lần tham gia biểu diễn tại các lễ hội, tôi và các thành viên trong đội văn nghệ cảm thấy rất tự hào, sự nhiệt huyết với các hoạt động VHVN quần chúng cũng thêm một lần được bồi đắp. Đặc biệt, khi các tiết mục nghệ thuật truyền thống nhận được sự cổ vũ, ủng hộ nhiệt tình của người dân và du khách”.
Tại phường Bỉm Sơn, hội hầu văn thánh là điểm nhấn đặc sắc trong chuỗi hoạt động phần hội của Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội hàng năm. Trong tiếng nhạc vang lên từng nhịp ngân nga, các thanh đồng lần lượt thực hiện nghi thức hầu giá, dâng lễ và trình diễn những điệu múa thể hiện sự tôn kính với các vị thánh trong Tứ phủ. Không chỉ đơn thuần là một nghi thức tín ngưỡng, hội hầu văn thánh còn là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, kết hợp giữa âm nhạc chầu văn, múa và trình diễn sân khấu dân gian. Bởi vậy, mỗi giá hầu là một màn trình diễn đầy cảm xúc, khơi gợi niềm tin và sự kính ngưỡng ở người xem. Trong suốt buổi hầu, tiếng nhạc chầu văn hòa cùng tiếng vỗ tay của người dân đã tạo nên một không gian văn hóa tâm linh sâu lắng, vừa trang nghiêm, vừa rực rỡ sắc màu dân tộc.
Ông Tống Văn Cương, Ban Quản lý Di tích đền Sòng Sơn, cho biết: Hội hầu văn thánh thường diễn ra vào tối ngày 25/2 (âm lịch), trước khi diễn ra chính lễ vào ngày 26/2 (âm lịch). Đây là một trong những hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc được đông đảo người dân và du khách thập phương mong chờ nhất trong chuỗi hoạt động lễ hội. Hội hầu văn thánh còn là dịp để các thanh đồng, cung văn giao lưu, học hỏi. Với lối hát mộc mạc nhưng điêu luyện đã mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm nghệ thuật đặc sắc. Qua mỗi mùa lễ hội, hát chầu văn - loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và những giá trị văn hóa tốt đẹp của Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội có thêm cơ hội được bảo tồn, lan tỏa mạnh mẽ.
Đến xã Hoằng Phú vào mỗi dịp Lễ hội Kỳ phúc làng Phú Khê (từ ngày 16 - 20/2 âm lịch), chứng kiến người dân nô nức đi xem CLB tuồng và trống hội cung đình biểu diễn mới thấy sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật này. Với niềm say mê, các thành viên trong CLB đã mang đến những màn biểu diễn trống hội có âm sắc, vũ đạo điêu luyện, cuốn hút người xem. Anh Lê Công Huân (33 tuổi), thành viên CLB tuồng và trống hội cung đình, cho biết: “Nét đặc trưng của trống hội cung đình Phú Khê gồm 5 giai điệu: nhạc tác, trống rước, trống đón, trống dình dình và trống múa dùi. Có những động tác rất khó, phải cần rất nhiều thời gian luyện tập mới có thể biểu diễn thuần thục các động tác như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống... Mặc dù là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, song đến nay CLB đã thu hút gần 40 thành viên tham gia, trong đó có cả những bạn trẻ. Với mỗi thành viên trong CLB, lễ hội là một “sân khấu” đặc biệt để phát huy tài năng và cùng nhau lan tỏa những giá trị văn hóa đến cộng đồng”.
Có thể thấy, lễ hội truyền thống không chỉ là biểu tượng của sự kết nối tâm linh mà còn là nơi để các giá trị văn hóa dân gian tiếp tục được giữ gìn, tỏa sáng. Qua mỗi mùa lễ hội, những làn điệu dân ca, những trích đoạn tuồng, chèo hay chỉ đơn giản là những điệu múa dân gian... không chỉ mang đến niềm vui cho người xem, mà còn góp phần “tiếp lửa” cho nghệ thuật truyền thống. Trong cuộc sống hiện đại, chính sự tiếp nối đầy tự hào ấy sẽ góp phần làm nên bản sắc riêng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân xứ Thanh.
Bài và ảnh: Hoài Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tiep-lua-cho-van-nghe-dan-gian-trong-le-hoi-truyen-thong-253951.htm
Bình luận (0)