Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiếp nối hành trình khám phá nền văn hóa tiền sử Tây Nguyên

Báo Văn HóaBáo Văn Hóa16/04/2025


VHO - Ngày 16.4, Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã ký ban hành Quyết định số 1067/QĐ-BVHTTDL, cho phép khai quật khảo cổ học lần thứ 4 tại di chỉ Thác Hai, tọa lạc ở thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Quyết định này đánh dấu bước tiếp theo trong nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của một trong những di tích khảo cổ học tiền sử tiêu biểu tại khu vực Tây Nguyên. 

Theo nội dung quyết định, đợt khai quật khảo cổ lần này sẽ diễn ra từ ngày 5.5 đến ngày 26.6, với tổng diện tích khai quật là 50m², chia thành hai hố, mỗi hố rộng 25m². Đơn vị chủ trì khai quật là Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.

Các hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được giữ gìn, bảo quản cẩn thận, tránh để hư hỏng, thất lạc. Sau khi kết thúc quá trình khai quật, Bảo tàng Đắk Lắk có trách nhiệm báo cáo Bộ VHTTDL về kết quả khai quật, đồng thời đề xuất phương án bảo vệ và phát huy giá trị khu vực khảo cổ.

Tiếp nối hành trình khám phá nền văn hóa tiền sử Tây Nguyên - ảnh 1
Đây là lần thứ tư di chỉ khảo cổ học Thác Hai được phép khai quật chính thức kể từ lần đầu tiên vào năm 2021

Các lần khai quật trước vào năm 2021, 2022 và 2024 đã mang lại những kết quả hết sức ấn tượng, góp phần làm sáng tỏ bức tranh văn hóa thời tiền sử tại khu vực biên giới Tây Nguyên, đồng thời khẳng định vị trí quan trọng của Thác Hai trong hệ thống di tích khảo cổ quốc gia.

Di chỉ khảo cổ Thác Hai được phát hiện lần đầu vào đầu năm 2020 trong quá trình khảo sát khoa học do Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện. Di chỉ nằm bên dòng Thác Hai, thuộc vùng đất Ea Súp – nơi còn giữ nhiều nét nguyên sơ và ít bị tác động bởi đô thị hóa.

Ngay từ lần phát hiện đầu tiên, Thác Hai đã được giới nghiên cứu đánh giá cao bởi tính đặc thù và độc đáo của nó. Khác với nhiều di chỉ cư trú đơn thuần, Thác Hai là một di chỉ công xưởng – nơi con người thời tiền sử từng tổ chức sản xuất công cụ đá quy mô lớn.

Trong các lần khai quật trước đây, các nhà khảo cổ đã thu thập được hàng nghìn hiện vật, trong đó nổi bật là hàng trăm mũi khoan đá, được chế tác tinh xảo, thể hiện trình độ kỹ thuật cao và dấu hiệu về sự phân công lao động trong xã hội cổ đại.

Một phát hiện đặc biệt tại di chỉ này là dấu vết lò nung thủy tinh thô sơ và các mảnh tạo tác thủy tinh – điều chưa từng thấy trong các di chỉ cùng loại ở Việt Nam trước đó. 

Trước đói, tháng 1.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” là Bảo vật quốc gia. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng, không chỉ ghi nhận giá trị đặc biệt về lịch sử – văn hóa của bộ sưu tập mà còn đưa di chỉ Thác Hai trở thành điểm nhấn trong bản đồ khảo cổ học Việt Nam.

Giới chuyên gia đánh giá, các mũi khoan đá ở Thác Hai không chỉ có giá trị về mặt kỹ thuật chế tác mà còn phản ánh rõ nét đời sống lao động, tín ngưỡng và tổ chức xã hội của cư dân thời kỳ tiền sử – sơ sử tại Tây Nguyên.

Tiếp nối hành trình khám phá nền văn hóa tiền sử Tây Nguyên - ảnh 2
Mũi khoan đá được phát hiện tại Di chỉ Thác Hai

Sự xuất hiện đồng thời của công cụ đá và dấu vết liên quan đến thủy tinh cũng đặt ra nhiều giả thiết về giao lưu văn hóa, kỹ thuật giữa các khu vực cư trú cổ đại.

Cùng với công tác khai quật, việc bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ Thác Hai cũng đang được các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm.

Sở VHTTDL tỉnh đang phối hợp với các nhà nghiên cứu xây dựng đề án phát triển khu di chỉ thành điểm đến giáo dục – du lịch khảo cổ học, nhằm phục vụ học sinh, sinh viên và du khách có nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa tiền sử Tây Nguyên.

Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng đang hoàn thiện hồ sơ trưng bày chuyên đề về “Di chỉ Thác Hai và hành trình khai quật”, với mục tiêu giới thiệu rộng rãi các phát hiện khảo cổ học đến công chúng trong và ngoài nước.

Theo Sở VHTTDL Đắk Lắk đánh giá, Thác Hai không chỉ là một di chỉ khảo cổ đơn thuần mà là biểu tượng cho hành trình tìm về cội nguồn của người Tây Nguyên. Qua những đợt khai quật tiếp theo, sẽ có thêm nhiều bằng chứng khoa học làm sáng tỏ đời sống của người xưa, từ đó góp phần khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng.



Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/tiep-noi-hanh-trinh-kham-pha-nen-van-hoa-tien-su-tay-nguyen-128112.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm