Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3).
Phát biểu tại hội nghị, bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), cho biết năm 2025 là cột mốc giữa kỳ của chương trình. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 tiết kiệm ít nhất 7%-10% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.
Tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là điện, được xem là giải pháp thiết thực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiết giảm chi phí, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng. Đây cũng là một trong những bước đi cụ thể để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (có hiệu lực từ ngày 1-1-2026), tạo hành lang pháp lý thúc đẩy công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng.

Bà Trâm cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng năng lượng. Lớp tập huấn nhằm trang bị cho phóng viên kỹ năng, kinh nghiệm và cách tiếp cận chủ đề năng lượng một cách gần gũi, dễ hiểu, góp phần lan tỏa thông tin chính xác tới cộng đồng.
Theo khảo sát của VNEEP 3, lĩnh vực công nghiệp – chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia – vẫn còn dư địa lớn để tiết kiệm. Riêng hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nếu giảm 2% lượng điện tiêu thụ mỗi năm, có thể tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh, tương đương hơn 3.200 tỷ đồng.

Ở góc độ nghiệp vụ, TS Trần Bá Dung, nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng nhà báo cần trở thành “người phiên dịch thông tin kỹ thuật” – viết sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Đặc biệt với các chủ đề nhạy cảm như điện, phụ tải, giá giờ cao điểm…, cần thể hiện khách quan, cân bằng giữa lợi ích và thách thức, tránh giật gân, gây hiểu nhầm.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tiet-kiem-2-dien-hon-3000-co-so-giam-chi-phi-hon-3200-ty-dongnam-post805401.html
Bình luận (0)