Hội viên phụ nữ Chi hội An Thuận sử dụng dung dịch IMO để bón cho cây cảnh |
Sau khi được tập huấn về phương thức phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác hữu cơ bằng công nghệ vi sinh vật bản địa (IMO) thành phân vi sinh để bón cho cây trồng, chị Hoàng Thị Bé, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ An Thuận triển khai, vận động hội viên trong chi hội cùng tích cực hưởng ứng.
Với những nguyên liệu sẵn có trong cuộc sống thường ngày như chuối, đường, cám gạo, sữa chua, nước sạch... để tạo ra dung dịch chế phẩm vi sinh IMO; những rác thải hữu cơ từ nhà bếp, cây trồng cũng được các hội viên phụ nữ sản xuất ra phân vi sinh từ chế phẩm IMO để bón cho cây trồng.
Chị Bé cho biết: Đa số hội viên ở chi hội đều làm nông nghiệp, trồng vườn nên khi được tập huấn, hướng dẫn quy trình và hỗ trợ IMO gốc, các chị em đều nhiệt tình hưởng ứng, bắt tay thực hiện. Không những sử dụng chế phẩm IMO để xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh, một số hội viên phụ nữ còn làm nước rửa chén, nước lau nhà...
Ghé nhà chị Nguyễn Thị Bình, chúng tôi ấn tượng với hàng hoa hồng đang khoe sắc, cây trái tươi tốt, trĩu quả, vườn rau xanh mướt. Chị Bình khoe: Tất cả cây cối trong vườn, tôi đều bón bằng dung dịch chế phẩm vi sinh IMO và phân bón hữu cơ vi sinh tự ủ. Từ ngày biết đến phương thức chế phẩm vi sinh IMO, tôi bỏ hẳn việc dùng phân bón hóa học. Nhờ vậy, năng suất cây trồng cao hơn, đất đai tươi xốp. Không những tận dụng được triệt để nguồn rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp mà còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Cũng như chị Bình, hơn một năm nay, khu vườn rau, cây trái của chị Nguyễn Thị Thanh hoàn toàn được bón bằng chế phẩm vi sinh IMO. Không những bón cho cây trồng trong vườn, chị Thanh còn ủ để bán cho bà con, kiếm thêm thu nhập. Trung bình, 1 can 5 lít dung dịch chế phẩm vi sinh IMO được chị Thanh bán với giá 50 ngàn đồng.
Để phong trào phân loại, xử lý rác tại nguồn được nhân rộng, Chi hội Phụ nữ An Thuận không những tập huấn cách làm men IMO, cách phân loại rác thải, cách ngâm ủ xử lý rác hữu cơ bằng men IMO thành phân bón cho cây trồng… đến từng hội viên mà đã triển khai đồng thời mô hình “Ngôi nhà xanh”. Theo đó, những rác thải tái chế được như vỏ lon, giấy vụn... được hội viên phân loại tại nhà, sau đó gom lại để góp vào “Ngôi nhà xanh”. Mỗi năm, từ nguồn thu “Ngôi nhà xanh”, chi hội đã tặng quà, thăm hỏi các hội viên có hoàn cảnh khó khăn và nhận đỡ đầu các em nhỏ mồ côi trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch UBMTTQVN, Chủ tịch Hội LHPN phường Kim Trà cho biết: Chi hội Phụ nữ An Thuận là một trong những điển hình trong phong trào “Phân loại, xử lý rác tại nguồn”. Các hội viên phụ nữ không chỉ biến rác thành tiền, thành tài nguyên… mà còn giảm thiểu xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, chung tay bảo vệ môi trường sống. Điều này tác động rất lớn đến cách canh tác của chị em phụ nữ, từng bước sử dụng chế phẩm sinh học trong phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững; biết tận dụng phụ phẩm, rác thải nông nghiệp để ủ, tạo ra phân bón nhằm giảm chi phí sản xuất, an toàn cho chính bản thân và người tiêu dùng.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/tiet-kiem-chi-phi-va-gop-phan-bao-ve-moi-truong-155986.html
Bình luận (0)