Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tìm lại tương lai

Ma túy không chỉ phá hủy cơ thể, mà còn bào mòn nhân cách, đánh cắp tương lai và đẩy người bệnh vào những cơn khủng hoảng tâm thần triền miên. Trong khi các loại ma túy tổng hợp ngày càng ngụy trang tinh vi, đối tượng sử dụng có xu hướng trẻ hóa, thì cuộc chiến điều trị và phục hồi cho người nghiện chất ngày càng trở nên gian nan.

Báo Quảng NinhBáo Quảng Ninh28/04/2025


 Tại Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện (Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh), nơi được xem là “phao cứu sinh” cuối cùng, mỗi bệnh nhân là một số phận lạc lối, mỗi ca điều trị là một cuộc chiến giành giật lại chính mình.

Tuổi trẻ lụi tàn sau những cơn “phê”

Khi những người bạn cùng trang lứa đang ổn định sự nghiệp, xây dựng hạnh phúc gia đình, thì N.V.Đ. (SN 1991, TP Hạ Long) lại phải điều trị tại Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện, trong tình trạng hoang tưởng, kích động do nghiện cần sa kéo dài. Con đường dẫn đến nơi này không bắt đầu từ một cú trượt dài, mà từ những bước đi nhỏ, âm thầm, đó là bắt đầu bằng... trò chơi điện tử (game).

Khi còn học lớp 11, Đ. đã dính nghiện game. Từ những đêm trắng ở tiệm net, cậu học sinh ngày nào dần dần lười học, xa rời đời sống thực. Nhưng ít ai nghĩ rằng sau này, từ chính đam mê ảo đó, Đ. sẽ bước vào thế giới của ma túy, đầy nghiệt ngã.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp đại học, Đ. vào làm trong lĩnh vực hàng hải tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống xa nhà, thiếu người thân, thiếu định hướng và đặc biệt là cú sốc tinh thần khi bị người yêu chia tay khiến Đ. tìm đến cần sa như một cách giải thoát khỏi cô đơn. Đ chia sẻ: “Không ai rủ rê tôi cả. Tôi tự tìm hiểu, tự mua cần sa về dùng. Thứ ma túy này được rao bán tràn lan trên các hội nhóm mạng xã hội và tôi đã chọn nó. Ban đầu chỉ nghĩ dùng cho dễ ngủ, cho vui. Nhưng càng dùng, tôi càng lệ thuộc lúc nào không hay...”.

Bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy, Trưởng khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện khám, tư vấn sức khỏe cho người nghiện chất.

Việc sử dụng cần sa kéo dài đã bào mòn sức khỏe và tinh thần của Đ. Từ một người có nền tảng học hành, từng làm việc ổn định, Đ. dần mất khả năng tập trung, làm việc chểnh mảng và bị công ty cho nghỉ. Chỉ đến khi anh trở về từ TP Hồ Chí Minh, bố mẹ mới bàng hoàng nhận ra sự thật đau lòng là con trai họ đã nghiện ma túy.

Từ năm 2019, gia đình đã đưa Đ. tới nhiều cơ sở tư nhân với hy vọng giúp con cai nghiện. Nhưng càng cố gắng, họ càng kiệt quệ về tinh thần và kinh tế. Mẹ Đ. cho hay: “Thời gian đầu, gia đình giấu chuyện, không dám nói với ai. Ngại với họ hàng, với xóm làng. Nhưng giấu cũng không giúp con khỏi được. Chạy chữa hết chỗ này đến chỗ khác, mà Đ. vẫn tái nghiện. Mỗi lần cai là một lần tuyệt vọng”.

Khi chính quyền địa phương nắm được tình trạng của Đ., họ đã tư vấn, hướng dẫn đưa Đ. đến Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Nhưng nhiều lần cai nghiện đều không thành công. Gần đây, Đ. có biểu hiện kích động, đập phá trong nhà. Gia đình đã đưa Đ. nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, nơi được xem là “cứu cánh cuối cùng” với những người đã vượt ngưỡng nguy hiểm của nghiện ma túy thế hệ mới. “Chúng tôi đều đã nghỉ hưu, tiền bạc không còn. Chỉ còn một hy vọng mong manh gửi gắm đến các bác sĩ tại Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện. Chỉ mong con bình thường trở lại. Chỉ mong một ngày có thể ngủ ngon mà không sợ con lên cơn hoảng loạn, đập phá, hay làm điều gì dại dột…”, mẹ Đ. nghẹn ngào nói.

Trường hợp của N.T.C. (SN 1988, TP Cẩm Phả) cũng là một lời cảnh tỉnh. Từ khi học cấp 2, C. bắt đầu chơi bời, tụ tập nhóm bạn xấu. Những buổi trốn học dần dà biến thành những lần thử “cỏ”, loại ma túy được coi là “nhẹ” nhưng lại có khả năng gây nghiện âm thầm, dai dẳng.

Không học hành, không làm việc, C. sống trong những ngày lêu lổng, phê ma túy và đua xe. Hai lần tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến C. bị chấn thương sọ não, phải nhập viện dài ngày. Nhưng sau mỗi lần nằm viện, C. vẫn trở lại với ma túy.

Giờ đây, ở tuổi 37, C. gần như không còn nhận thức rõ ràng về thực tại. Được gia đình đưa vào Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện để điều trị, C. luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, trí nhớ mơ hồ. Bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy (Trưởng Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện), cho biết: Tình trạng của C. là hậu quả điển hình của việc sử dụng cần sa và ma túy tổng hợp trong thời gian dài. Cộng thêm chấn thương sọ não càng làm tổn thương thần kinh nặng thêm. Việc phục hồi nhận thức sẽ rất khó khăn.

Ma túy bào mòn sức khỏe.

Trong khi đó, N.V.T. (SN 1972, huyện Vân Đồn) lại có một con đường nghiện ngập khác. Từng là một ngư dân lành nghề, anh T. bắt đầu sử dụng heroin ở tuổi đôi mươi và bị nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm. Dù sức khỏe suy kiệt, anh vẫn tiếp tục sử dụng ma túy và tham gia mua bán trái phép chất cấm, rồi phải cải tạo 2 năm. Sau khi ra tù, T. chuyển sang nghiện rượu để lấp khoảng trống, dẫn đến suy nhược cơ thể nghiêm trọng, không đi lại, ăn ngủ được và có biểu hiện loạn thần, hoang tưởng. Cuối cùng, gia đình đã đưa T. đến bệnh viện.



Phía sau mỗi bệnh nhân là nỗi đau của gia đình, sự kiệt quệ về tinh thần và tài chính, cùng sự xa lánh từ cộng đồng. Tuy nhiên, các bác sĩ tại Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện vẫn kiên trì điều trị, lắng nghe và động viên, trở thành điểm tựa cuối cùng cho những cuộc đời lầm lỡ.

Nỗ lực giành lại nhân cách và tương lai cho người bệnh

Từ năm 2011, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh bắt đầu tiếp nhận điều trị nội trú cho người nghiện ma túy tổng hợp. Đến tháng 3/2012, Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện được thành lập chính thức, trở thành tuyến điều trị chuyên sâu, nơi tiếp nhận những bệnh nhân rối loạn tâm thần, hoang tưởng, ngáo đá, trầm cảm do sử dụng ma túy.

Theo bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy, từ hơn chục giường bệnh đầu tiên, đến nay khoa có 52 giường thực kê, với đội ngũ gồm 5 bác sĩ, 9 điều dưỡng và 2 hộ sinh. Mỗi năm, khoa tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện ma túy, trong đó hơn 20% là thanh thiếu niên. Đây là con số gióng lên hồi chuông báo động.

Hiện nay, tình hình sử dụng chất gây nghiện đang trở nên ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây, bệnh nhân chủ yếu sử dụng các loại ma túy dạng kích thần như ma túy đá, thuốc lắc, ketamin hay heroin thì khoảng 3-4 năm trở lại đây, tỷ lệ người nghiện cần sa tổng hợp ngày càng gia tăng, với hình thức sử dụng cũng trở nên đa dạng và tinh vi hơn. Đáng lo ngại hơn, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa. Thanh thiếu niên dễ bị lôi kéo do tâm lý hiếu kỳ, thiếu kinh nghiệm sống và áp lực học tập, cuộc sống. Nhiều trường hợp trẻ bị rủ rê sử dụng cần sa qua thuốc lá điện tử, bánh kẹo, nước uống… mà không hề hay biết. Vì vậy, bệnh viện thường tiếp nhận trẻ vị thành niên vào dịp hè để khám, tư vấn và phát hiện sớm nguy cơ.

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai (BĐBP tỉnh) bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép 0,928 gam ma tuý (ngày 15/4/2025). Ảnh: Nguyễn Chiến

Việc sử dụng cần sa gây hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các chất gây nghiện có thể gây tổn thương ở cả dưới vỏ và trên vỏ não, dẫn đến suy giảm trí tuệ, giảm nhận thức, ảnh hưởng khả năng lao động và chất lượng cuộc sống. Nguy hiểm hơn, ngay cả khi chỉ sử dụng một vài lần, người dùng cũng có nguy cơ bị nhiễm độc thần kinh với những hậu quả có thể kéo dài hoặc vĩnh viễn. “Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ cho các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Việc nhận biết sớm, nâng cao nhận thức và có biện pháp phòng ngừa từ đầu là vô cùng cần thiết” - Bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy nhấn mạnh.

Khi đã vướng vào ma túy, nhiều người trẻ mang theo tâm lý buông xuôi. Họ cho rằng đã nghiện thì không thể quay đầu, không còn cố gắng gìn giữ bản thân. Bên cạnh đó, sự thiếu kiến thức và hỗ trợ từ người lớn cũng khiến không ít trường hợp khi rơi vào lo âu, trầm cảm hay rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện lại không tìm đến các cơ sở y tế, mà âm thầm chịu đựng hoặc tiếp tục lệ thuộc vào chất gây nghiện.

Ngày 17/4, Tòa án nhân dân huyện Cô Tô mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “mua bán trái phép chất ma túy” và tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù đối với Đoàn Đắc Tiến, thôn 3, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô. Ảnh: Thu Báu (CTV)

Trong bối cảnh các chất ma túy ngày càng tinh vi, ngụy trang dưới nhiều hình thức khó nhận diện, việc đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục phòng ngừa cần được coi là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, can thiệp sớm ngay từ khi người trẻ chỉ mới tiếp xúc hoặc có dấu hiệu bị lôi kéo đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn vòng xoáy nghiện ngập. Điều này càng trở nên cấp thiết khi đối tượng sử dụng chất gây nghiện đang ngày càng trẻ hóa, trong khi những loại ma túy mới lại thường được ngụy trang tinh vi dưới dạng thuốc lá điện tử, đồ ăn, đồ uống… khiến người trẻ dễ bị cuốn vào mà không nhận thức hết hậu quả.

Giáo dục phòng ngừa không chỉ cung cấp kiến thức mà còn trang bị cho người trẻ bản lĩnh để từ chối ma túy, lựa chọn con đường an toàn cho sức khỏe, tâm trí và tương lai. Xã hội, gia đình và nhà trường cần đồng hành để ngăn chặn ma túy từ bên ngoài và trang bị cho người trẻ “sức đề kháng” từ bên trong. 


Nguyễn Hoa

Nguồn: https://baoquangninh.vn/tim-lai-tuong-lai-3355295.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm